Kiến nghị UBND tỉnh khảo sát, tổng kết để khuyến cáo, hỗ trợ, tập huấn cho người dân phương pháp nuôi tôm an toàn, hiệu quả hoặc chuyển đổi mô hình nuôi tôm tại vùng Hói Bù, Hói Chẽm, Quang Minh 2 và một số vùng nhỏ lẻ khác thuộc xã Quỳnh Xuân.

Nuôi trồng thuỷ hải sản tại thị xã Hoàng Mai 

Về kiến nghị của các cử tri Hoàng Xuân Thụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau:

Vụ nuôi chính năm 2023, bà con nuôi tôm toàn tỉnh nói chung và trên địa bàn phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai nói riêng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do tác động tiêu cực của thời tiết, dịch bệnh trên tôm nuôi, giá nhiên liệu không ổn định, giá vật tư, thức ăn thủy sản tăng trong khi giá bán tôm nguyên liệu liên tục giảm gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế và tâm lý người nuôi. Nhiều hộ nuôi đã cắt giảm diện tích hoặc tạm ngưng thả nuôi tôm chính vụ, chuyển sang thả tôm nuôi vụ Đông.

Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế rủi ro, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương có diện tích nuôi tôm triển khai nhiều biện pháp như:

- Cử cán bộ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến nuôi tôm tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh.

- Khuyến cáo người dân ổn định tâm lý, duy trì thả nuôi với mật độ thả nuôi thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích thước tôm thu hoạch, tăng giá bán từ đó tăng hiệu suất đầu tư.

- Thông tin đầy đủ về quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm tập trung; dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai để kịp thời khuyến cáo cho người nuôi tôm trên địa bàn các biện pháp chủ động phòng, tránh nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại trong sản xuất. Đồng thời triển khai Kế hoạch giám sát dịch bệnh thuỷ sản nguy hiểm trên tôm nuôi tại các địa phương.

- Khuyến cáo người nuôi tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm giảm chi phí vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc, hoá chất, sản phẩm xử lý môi trường,…), từ đó giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.

- Tổ chức tập huấn, hội thảo nhằm tăng cường thông tin về các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình nuôi mới (như mô hình nuôi nhiều giai đoạn, mô hình nuôi nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm công nghệ cao... ) để bà con nghiên cứu, áp dụng kịp thời giúp giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất trong nuôi tôm.

- Hỗ trợ chính sách cho người nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ mới theo Nghị quyết số 18/2021/NQ- HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025.

Đến thời điểm hiện nay đã hỗ trợ cho 17 mô hình với tổng kinh phí hỗ trợ 3.880 triệu đồng (trong đó kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 14/NQ-HDNĐ ngày 20/12/2017 của HĐND tỉnh là 2.070 triệu đồng; theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND là 1.810 triệu đồng). Riêng UBND phường Quỳnh Xuân từ khi có chính sách đến nay đã hỗ trợ 02 mô hình với tổng kinh phí 690 triệu đồng. Hiện đang hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho 01 mô hình tại Khối 7, phường Quỳnh Xuân để thực hiện trong năm 2023 theo đúng quy định.

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  chỉ đạo Chi cục Thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và khuyến cáo cho người nuôi tôm triển khai các giải pháp kỹ thuật đồng thời áp dụng những quy trình, công nghệ phù hợp để nuôi tôm an toàn, đạt hiệu quả.