Hiện nay phần cơ đường bị lún, sạt lở đất đổ xuống mặt đường gom dân sinh phía dưới, làm cho tuyến đường này bị thu hẹp, gây ách tắc giao thông và mương tiêu thoát nước bị bồi lắng, mỗi khi có mưa, lượng nước từ mặt đường, mái taluy đổ xuống chảy tràn vào nhà dân (cử tri xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên). Mở thêm dốc qua Đê 42 (qua quốc lộ 46C) vì hiện tại mỗi trục đường mới có 01 dốc vừa lên, vừa xuống nhưng nhỏ, hẹp và đã xuống cấp nghiêm trọng.

Đê Tả Lam được bê-tông hóa

Về kiến nghị của cử tri xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên, Sở Giao thông - vận tải trả lời như sau:

Qua kiểm tra, các dốc qua đê mà cử tri xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên phản ánh nằm tại các vị trí K69+000, K69+500 và K70+350 đê tả Lam (còn gọi là đê 42) thuộc địa phận xã Hưng Lĩnh. Tuyến đê tả Lam đi qua địa bàn huyện Hưng Nguyên là đê cấp II. Hiện tại, các vị trí này phía sông đã có 1 nhánh dốc lên đê và phía đồng đã có 2 nhánh dốc xuống đấu nối với Quốc lộ 46C.

 Theo khoản 2, Điều 25, Luật Đê điều thì việc xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều đối với tuyến đê cấp II phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ngoài ra, việc bổ sung nhánh dốc lên sẽ làm thay đổi quy mô, vị trí đấu nối với tuyến Quốc lộ 46C nên cần có sự thống nhất của Cục Đường bộ Việt Nam. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Hưng Nguyên chủ trì, xây dựng phương án sửa chữa, mở thêm dốc qua đê để vừa đảm bảo chức năng chống lũ của tuyến đê tả Lam, vừa đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 46C, trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải xin ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Đường bộ Việt Nam.

Trong thời gian các dốc qua đê chưa được sửa chữa, mở thêm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Hưng Nguyên tổ chức tuyên truyền cho  nhân dân sinh sống trong vùng nâng cao nhận thức về an toàn giao thông, tuân thủ các biển báo, biển chỉ dẫn của ngành giao thông, đồng thời tuân thủ việc sử dụng xe cơ giới có tải trọng cho phép đi trên đê để không làm hư hỏng mặt đê, dốc qua đê.