Về kiến nghị của cử tri thành phố Vinh và huyện Quỳ Hợp, Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

1. Về việc chấn chỉnh tình trạng lập nhóm trong trường học, gây gỗ, đánh nhau, bạo lực học đường, khủng bố tinh thần qua tin nhắn điện thoại

Thời gian qua, trong các trường học trên địa bàn cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng có hiện tượng học sinh lập hội nhóm và nhóm mạng xã hội trong trường học, đã xảy ra nhiều vụ việc bạo lực học đường cả trong và ngoài nhà trường, với biểu hiện ngày càng phức tạp, khó lường: bao gồm bạo lực về thể chất (đánh đập, xô xát...), bạo lực về tinh thần (đe dọa, bắt nạt, xa lánh, cô lập...), bạo lực trắng (bắt nạt trực tuyến trên mạng.). Đây là một vấn nạn không chỉ ảnh hưởng đến nền giáo dục mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của học sinh. Sở Giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, cụ thể:

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; trang bị kỹ năng sử dụng môi trường mạng; tăng cường công tác tham vấn học đường và giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội.

Nâng cao khả năng nắm bắt tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, nhất là cấp THCS, THPT cho cán bộ quản lý, giáo viên để có cách thức ứng xử phù hợp; tích cực phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình, các vướng mắc phát sinh, thực hiện giải pháp phòng ngừa.

Phát huy vai trò của Tổ tư vấn tâm lý học đường, công tác chủ nghiệm lớp, hiệu quả hoạt động Đoàn, Đội trong nhà trường, kịp thời nắm bắt tình hình các nhóm học sinh và có biện pháp ngắn chặn những phát sinh mâu thuẫn của các nhóm học sinh, định hướng cho các nhóm học sinh tích cực giúp đỡ nhau trong học tập và trong cuộc sống.

Các nhà trường xây dựng các biện pháp siết chặt kỷ cương nền nếp. Tăng cường các hình thức giáo dục kỷ luật tích cực; thực hiện lớp học tự quản, dân chủ để học sinh có điều kiện tăng cường ý thức, phát huy trách nhiệm cá nhân; nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp, cán bộ lớp, tổ chức Đoàn, Đội trong việc nắm bắt, phát hiện và xử lý các nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường.

Giải pháp phối hợp với gia đình: thường xuyên quan tâm, giáo dục, động viên, chia sẻ với con; phối hợp với nhà trường để nắm bắt diễn biến tâm lý và thực hiện các biện pháp giáo dục con, kịp thời ngăn chặn con mình không tham gia các hội, nhóm không tích cực; gương mẫu trong đạo đức, lối sống; tích cực học tập để cập nhật thêm các kiến thức và kỹ năng chăm sóc, giáo dục, đồng hành cùng con. Tăng cường phối hợp cùng với nhà trường để cùng giáo dục và định hướng con cái.

2. Biện pháp khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục

Trong những năm qua, Bộ GDĐT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước nâng cao chất lượng, khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục, cụ thể: Công văn số 6122/BGDĐT-TĐKT ngày 28/12/2017 về các giải pháp khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục; Kế hoạch số 130/KH-BGDĐT ngày 20/3/2018 về việc triển khai các giải pháp tiếp tục khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục; Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 07/5/2018 về tăng cường công tác quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo; Công văn số 508/SGD&ĐT-CTTT ngày 24/3/2021 của Sở GD&ĐT về việc tiếp tục rà soát các văn bản, quy định nhằm khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục; để tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm từng bước khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục. Trong thời gian qua ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức các phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tinh giản các cuộc thi để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh phổ thông, qua đó chất lượng giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo đã có những chuyển biến tích cực.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục giao quyền chủ động cho các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường hướng vào việc phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện tốt phương pháp giáo dục tích cực; đổi mới cách đánh giá; thực hiện chuyển đổi số để công khai, minh bạch trong đánh giá kết quả học tập, thi cử, quản lý dữ liệu ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục và đào tạo, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong ngành Giáo dục.