Đó là nội dung kiến nghị của cử tri nhiều địa phương và cũng là đề xuất của Bộ Nội vụ trong thời gian tới đây trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính và tổng kết thực tiễn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14.

Thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh Nghệ An đã thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của tỉnh trong giai đoạn 2019 - 2021 theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Giai đoạn 2019 - 2021, ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp là ĐVHC có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Qua rà soát, Nghệ An có 50 ĐVHC đạt 100% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số; 413 ĐVHC có diện tích tự nhiên và dân số đạt từ 50% trở lên; 17 ĐVHC có 02 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.

Để thực hiện chủ trương trên trong giai đoạn 2019 - 2021, Nghệ An đã sắp xếp 39 ĐVHC cấp xã để hình thành 16 xã mới và 03 xã có thay đổi diện tích tự nhiên, quy mô dân số và địa giới hành chính. Như vậy số ĐVHC cấp xã của tỉnh giảm từ 480 đơn vị xuống còn 460 đơn vị (trong đó: huyện Quế Phong, Tương Dương, Nghi Lộc, thị xã Thái Hòa mỗi huyện, thị xã giảm 01 xã; huyện Thanh Chương, Diễn Châu, Nghĩa Đàn mỗi huyện giảm 02 xã; huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên mỗi huyện giảm 05 xã). Việc sắp xếp được sự đồng thuận cao của cử tri các địa phương, tỷ lệ bình quân trên 80%, nhiều nơi đạt trên 90%.

Tuy vậy, từ thực tiễn sắp xếp, sáp nhập các xã đã đặt ra một số vấn đề khó khăn như: việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách; việc giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư do sáp nhập; phương án sử dụng cơ sở vật chất sau sáp nhập; thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức do thay đổi địa giới đơn vị hành chính; việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới của các xã trước và sau sáp nhập, sắp xếp; sự khác nhau về tập quán, lối sống của cộng đồng dân cư... Thực tiễn đó đã được cử tri nhiều địa phương phản ánh với đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp qua các cuộc tiếp xúc cử tri và qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Đồng thời, cử tri kiến nghị Bộ Nội vụ cần rà soát, đánh giá để xem xét, đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi một số quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp xã.

plugin_ckeditor_upload.upload.9ddfe21f963aa1df.c490632056c3b5205468e1bb8b204d696e682053696e68207068c3a174206269e1bb83752074e1baa169206375e1bb99632068e1bb8d702e6a7067.jpg

(Ảnh: Đồng chí Võ Thị Minh Sinh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An nêu một số vấn đề mà cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền của cơ quan Trung ương tại cuộc làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh trước kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, trong đó có kiến nghị xem xét, sửa đổi tiêu chuẩn đơn vị hành chính)

Liên quan đến nội dung này, tại Thông cáo báo chí ngày 19/7/2021, Bộ Nội vụ đã thông tin việc Bộ đang xây dựng Báo cáo tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 theo quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 và báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Bộ đang tập trung nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Theo đó, ngoài hai tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số thì một số vấn đề sẽ được xem xét như vị trí địa chính trị, lịch sử, văn hóa, truyền thống và lối sống của cộng đồng dân cư, yếu tố về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quy hoạch vùng và quốc gia, yêu cầu phát triển kinh tế... Những vấn đề này sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cũng như ý kiến của người dân để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Trên cơ sở tiêu chuẩn đơn vị hành chính sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua, Bộ sẽ tiếp tục đề xuất đẩy mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022 - 2026 kết hợp với tiếp tục sắp xếp thôn, tổ dân phố theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ.

Cũng tại Thông cáo báo chí, Bộ Nội vụ đã có ý kiến chính thức về việc Bộ chưa đề nghị lên Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào như một số báo chí thông tin. Đây là một vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu thấu đáo, thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở lý luận và thực tiễn.

Có thể thấy rằng, vấn đề cử tri kiến nghị và các cơ quan báo chí phản ánh đã được Bộ Nội vụ quan tâm nghiên cứu, cầu thị tiếp thu, từ đó tổng kết thực tiễn để tới đây báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh cho phù hợp trong giai đoạn mới. Vì vậy, chúng ta tin tưởng rằng việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022 - 2026 sẽ nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, hiệu quả tốt, đạt được mục tiêu "tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" mà Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đặt ra./.

Thu Nguyễn

Phòng Dân nguyện - Thông tin