Trong những năm gần đây nhận thấy quả thanh long ruột đỏ có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông Kiều Văn Minh, thôn 7, xã miền núi Tân Sơn (huyện Quỳnh Lưu) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích gần 3ha đất đồi kém hiệu quả sang trồng gần 3.000 gốc thanh long ruột đỏ. Để mô hình này mang lại hiệu quả cao, gia đình ông chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu làm đất, chuẩn bị cây trụ bê tông, lựa chọn cây giống, thuê nhân công.... Sau 2 năm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả khả quan, đến thời điểm hiện tại cây thanh long đang đem lại hiệu quả tích cực cho gia đình, việc tìm đầu ra cho sản phẩm không còn khó khăn vì với chất lượng sản phẩm được đảm bảo ngay từ ban đầu, rõ nguồn gốc, xuất xứ và quy trình trồng cây đảm bảo sạch, các cơ sở tiêu thụ yên tâm và ký hợp đồng thu mua lâu dài. Hiện nay, gia đình đang nỗ lực cùng cấp ủy, chính quyền xã Tân Sơn đăng ký thanh long ruột đỏ là sản phẩm OCOP của địa phương

Sản phẩm thanh long của gia đình ông Kiều Văn Minh, xã Tân Sơn đang được chọn để xây dựng sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Đức Toàn – Chủ tịch UBND xã Tân Sơn (huyện Quỳnh Lưu) cho biết thêm: Với những tiền măng, thế mạnh sẵn có, xã đã lựa chọn sản phẩm thanh long để xây dựng sản phẩm OCOP, đồng thời nghiên cứu, lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp khác là thế mạnh của địa phương để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, xác định để chương trình OCOP thực sự mang lại hiệu quả, có tính thực tiễn cao cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đóng vai trò quan trọng nhất.

Với nghề miến Phú Thành, toàn xã Quỳnh Hậu hiện có gần 100 hộ sản xuất với sản lượng từ 20 – 25 tấn/ngày. Hàng năm, Quỳnh Hậu đã xuất bán ra thị trường từ 500 – 600 tấn, với doanh thu hơn 6,5 tỷ đồng. Năm 2012, nghề miến Phú Thành được UBND tỉnh công nhận làng nghề đã tạo thêm động lực để bà con phát triển sản xuất. Sản phẩm miến gạo Quỳnh Hậu ngày càng được khách hàng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở dĩ có được điều đó là nhờ ngoài sử dụng công nghệ làm miến bằng máy thì các hộ còn có bí quyết ủ bột, trộn tỷ lệ hợp lý để tạo cho sợi miến vừa mềm lại có độ giòn tự nhiên, mùi thơm, sợi đẹp, để vài tháng không bị mốc, hỏng.

Sản phẩm chế biến từ muối có ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH ABACA, xã Quỳnh Văn đã được công nhận OCOP

Ông Trần Đức Hữu – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu) cho biết: Để miến Quỳnh Hậu có sức cạnh tranh tốt trên thị trường thì ngoài sản phẩm miến gạo trắng truyền thống, các hộ làm nghề còn sản xuất các loại sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo giá trị dinh dưỡng như: miến gạo lứt, miến gạo pha đậu xanh, miến gạo pha rau chùm ngây… Đặc biệt, xã cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để miến Phú Thành có điều kiện mở rộng thị trường, quy mô sản xuất, khẳng định chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thời gian qua, UBND huyện Quỳnh Lưu đã chỉ đạo các phòng, ban ngành và các xã, thị trấn chủ động có kế hoạch, chương trình công tác triển khai cụ thể để vừa nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm đã có, vừa tiếp tục phát triển các sản phẩm mới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện cho cán bộ, Nhân dân và các thành phần kinh tế hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình. Hơn nữa, huyện tập trung nâng cấp, tái cơ cấu các thành phần kinh tế hiện có, cũng cố và nâng cao năng lực các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song song với đó là chỉ đạo các xã tổ chức nghiên cứu, rà soát quỹ đất, điều kiện canh tác thổ nhưỡng, hạ tầng kỹ thuật, từ đó định hướng rõ quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực cho các địa phương. Ngoài ra còn hỗ trợ, tạo điều kiện và vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã hưởng ứng thực hiện có hiệu quả.

Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu tham quan mô hình trồng ổi hữu cơ của ông Đàm Duy Từ, xã Quỳnh Tam

Theo bà Vũ Thị Bích Hằng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu, từ năm 2019 đến nay, huyện đã phát triển được 39 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Trong đó, các sản phẩm tập trung ở các ngành hàng thực phẩm, đồ uống như: mực khô, nước mắm, muối, rau, mía, dứa, bò sữa, nhung hươu và các sản phẩm dịch vụ, thảo dược khác như: máy đúc gạch không nung, mây tre đan, mộc dân dụng, hương trầm, tảo xoắn spirulina…

Quỳnh Lưu trao giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Triển khai thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm là một hướng đi tất yếu, nhằm phát triển sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế để góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Chính vì vậy, huyện Quỳnh Lưu xác định phải có tư duy đúng hướng, quyết tâm nghiên cứu, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng tốt những sản phẩm chủ lực và mang tính bền vững cho địa phương mình./.