Trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Ba, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu đánh giá thực chất tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách. Ảnh: Lâm Hiển
Theo quy định pháp luật hiện hành, Quốc hội xem xét, quyết định thông qua quyết toán ngân sách nhà nước sau khoảng 18 tháng sau khi năm ngân sách kết thúc. Việc dành ra một khoảng thời gian rất dài, lên đến một năm rưỡi, để các cơ quan hành pháp thực hiện báo cáo tài chính; sau đó các cơ quan lập pháp xem xét, thẩm tra báo cáo cho thấy đây là công việc phức tạp và quan trọng.
Báo cáo quyết toán ngân sách của quốc gia cũng như báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, là hệ thống đánh giá quan trọng nhất về “sức khỏe” và “hiệu quả” hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước trong một năm. Nếu hình dung quốc gia như một doanh nghiệp thu nhỏ thì Quốc hội chính là hội đồng quản trị, thực hiện vai trò thay mặt nhân dân - các cổ đông, để giám sát xem hiệu quả sử dụng nguồn lực về tài chính của “doanh nghiệp quốc gia” trong một năm là như thế nào.
Quan trọng là vậy nhưng công tác này chưa nhận được ưu tiên cao từ các đại biểu Quốc hội như việc thảo luận các vấn đề chính sách và công tác lập pháp khác. Điều này xuất phát trước hết từ nhận thức chung về ý nghĩa công việc. Tâm lý băn khoăn rằng “tiền đã tiêu lâu rồi, giờ xem xét, lật lại có ích gì không” không phải là không có!
Tiếp đến, đánh giá tài chính là công việc tương đối kỹ thuật, đòi hỏi chuyên môn sâu. Nếu các cơ quan giúp việc của Quốc hội, cụ thể là Ủy ban Tài chính, ngân sách không chuẩn bị được các báo cáo, diễn giải “dễ hiểu” - biến vấn đề kỹ thuật thành vấn đề chính sách đơn giản thì đại biểu sẽ khó tiếp cận để thảo luận và giám sát.
Hướng xử lý vấn đề đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Ba. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, không coi đây là “việc đã rồi”. Thay vào đó, cần tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách, đồng thời phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những bất cập đã kéo dài nhiều năm – mà các chuyên gia coi là “bệnh kinh niên”. Từ đó, tập trung đóng góp ý kiến để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm giải trình và xử lý vi phạm về tài chính, ngân sách nhà nước.
Những “bệnh kinh niên” phải kể tới là tình trạng ước thu khác xa so với thực tế, lập dự toán thu thấp. Phân bổ, giao dự toán chậm, nhất là về công tác chuẩn bị đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công. Chi chuyển nguồn ngân sách còn quá lớn. Sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách còn nhiều. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra, cơ quan chức năng khác chưa nghiêm, chưa đạt mục tiêu….
Vai trò giám sát của Quốc hội cũng cần nghiêm khắc hơn, đơn cử từ những việc tưởng nhỏ mà không nhỏ. Ví dụ: thời hạn gửi báo cáo từ Chính phủ sang các cơ quan Quốc hội nhiều năm qua thường bị chậm trễ. Năm nay, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 gửi chậm so với quy định 19 ngày. Chính phủ gửi chậm sẽ tạo áp lực lên công việc xem xét của Ủy ban Tài chính, ngân sách. Và khi Ủy ban chủ chốt này có quá ít thời gian để xem xét thì sẽ rất khó đưa ra được những phân tích, diễn giải giúp các đại biểu có thêm thông tin, bằng chứng để thảo luận và giám sát.
So với phòng chống tham nhũng, cũng là một khía cạnh trong quản lý và sử dụng nguồn lực công, công tác lập dự toán và quyết toán ngân sách từ trước tới nay chưa nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu. Từ yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cử tri kỳ vọng các đại biểu và Quốc hội sẽ coi việc nâng cao chất lượng giám sát hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước thông qua giám sát, đánh giá quyết toán ngân sách là một ưu tiên trọng tâm.
Làm tốt công tác này không chỉ tăng minh bạch nền tài chính quốc gia mà còn để nguồn lực và tài sản quốc gia được sử dụng hiệu quả hơn. Đây cũng là “trợ lực chính” cho công tác chống tham nhũng đang rất được người dân quan tâm hiện nay.
Hà Lan