Thực tiễn triển khai ở các địa phương
Là một trong nhiều hộ dân ở xã Thanh Hà, ngay sau khi được nhận xi măng hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông Phạm Đức Đại, ở thôn 3 và các hộ gia đình trong xóm đều vui vẻ, tự nguyện đóng góp tiền và ngày công để làm đường giao thông nông thôn. Vì đây là tuyến liên gia, chỉ có 5 hộ gia đình nên để hoàn thành 650m đường bê tông đạt chuẩn nông thôn mới, mức đóng của mỗi hộ lên đến hơn 60 triệu đồng. Ông Phạm Đức Đại cho biết: “Do lần đầu làm đường gặp mưa lụt nên toàn bộ đất đắp bị hỏng, lần làm thứ hai, ngoài việc đóng hơn 60 triệu đồng làm đường, các gia đình còn đóng tiền để làm cống thoát nước qua đường, tránh bị ngập, ảnh hưởng đến đường, tổng kinh phí lên đến 100 triệu đồng. Có gia đình phải bán trâu, vay ngân hàng, nhưng đầu tư đường là đầu tư lâu dài nên người dân vẫn rất vui vẻ”.
Là 1 trong 6 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2024, từ đầu năm đến nay, cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Thanh Hà đã bám sát cơ sở để chỉ đạo, xác định các tiêu chí, nội dung khó để tìm giải pháp. Trong đó, tiêu chí giao thông là khó khăn nhất, bởi khối lượng đường giao thông trên địa bàn xã lớn với hơn 60 km, đòi hỏi nguồn lực lớn. Vì thế để hoàn thành tiêu chí giao thông, ngoài vận động Nhân dân tự giải phóng mặt bằng, hiến hàng ngàn mét đất và tháo dỡ hàng trăm mét tường rào cùng tài sản trên đất trị giá hàng tỷ đồng để mở rộng, kiên cố hóa các tuyến đường giao thông; xã cũng đã tích cực vận dụng tất cả các cơ chế chính sách một cách linh hoạt và sáng tạo, thu hút các dự án kết hợp nguồn lực huy động từ Nhân dân; tổ chức lồng ghép các chương trình để tổ chức đầu tư làm mới các tuyến đường. Đồng chí Đặng Hữu Biền - Chủ tịch UBND xã Thanh Hà cho biết: Mặc dù là xã khó khăn, nguồn thu ngân sách hạn hẹp, đời sống của người dân khó khăn nhưng từ sự phát huy sức mạnh của Nhân dân, kết hợp huy động nguồn từ ngân sách các cấp và con em xa quê, đến nay, Thanh Hà đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Không riêng gì xã Thanh Hà, các địa phương đăng ký về đích nông thôn mới năm 2024 trên địa bàn huyện Thanh chương cũng đều rất nỗ lực chỉ đạo với sự quyết tâm, quyết liệt, tạo phong trào thi đua sôi nổi ở mỗi xóm, mỗi làng và mỗi địa phương. Như ở xã Thanh An, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, Nhà nước hỗ trợ xi măng, Nhân dân đóng góp tiền để mua đá, cát và ngày công để làm đường giao thông nông thôn, vì mục đích giao thông đi lại thuận tiện, đường làng ngõ xóm “sáng, xanh, sạch, đẹp” cũng đã tạo nhiều bước tiến trong xây dựng nông thôn mới.
Ngoài các xã đăng ký về đích nông thôn mới, những xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao năm 2024 cũng có những quyết tâm về đích. Là xã biên giới đạt xã nông thôn mới vào năm 2017; xác định xây dựng nông thôn có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, hàng năm xã Hạnh Lâm đã từng bước củng cố, nâng cấp các tiêu chí và quyết tâm huy động mọi nguồn lực để về đích nông thôn mới nâng cao năm 2024. Để thực hiện đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm, cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ xã đến xóm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, Hạnh Lâm đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao với tổng kinh phí huy động đầu tư đạt hơn 82 tỷ đồng.
Thông qua xây dựng nông thôn mới nâng cao, ở xã Hạnh Lâm, kinh tế tiếp tục phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/năm. Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, đồng chí Đặng Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm, cho biết: Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn của xã thường xuyên bám sát cơ sở để vừa động viên, vừa tháo gỡ khó khăn cùng các thôn trong thực hiện các tiêu chí. Đặc biệt là để động viên, khuyến khích Nhân dân các xóm, xã có chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng/xóm bằng vật liệu xây dựng và 17 triệu đồng mua sắm các dụng cụ thể thao ngoài trời. Đồng thời tập trung chỉ đạo các thôn có phong trào để lan toả và chỉ đạo các thôn tiếp theo.
Hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới 2024
Thanh Chương là huyện miền núi, đời sống của Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao được cán bộ và Nhân dân hưởng ứng tích cực. Để chỉ đạo đưa 6 xã về đích nông thôn mới và 5 xã về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2024, định kỳ hàng quý, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện đều tổ chức cuộc họp để nghe tiến độ và kết quả xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở các xã đăng ký về đích trong năm để có sự chỉ đạo cụ thể; gắn trách nhiệm đối với từng phòng, ngành cấp huyên và cơ sở tổ chức rà soát cụ thể từng tiêu chí chưa đạt, xây dựng rõ lộ trình thực hiện và phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân thực hiện. Từ huyện đến cơ sở cũng chú trọng công tác tuyên truyền để lan toả các điển hình, điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện và tăng cường kết nối các nhà hảo tâm, con em xa quê hướng về quê hương tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ngoài cơ chế chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh, huyện cũng trích ngân sách hỗ trợ cho các xã đăng ký về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong năm. Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dự kiến đến ngày 31/12/2024, huyện Thanh Chương hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch xây dựng nông thôn mới trong năm 2024 với 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện lên 35/37 xã và thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao toàn huyện lên 9 xã; có 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng chí Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Từ kết quả và bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thời gian qua, huyện Thanh Chương đang đặt ra quyết tâm chỉ đạo đưa 2 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới và tiếp tục nâng cao các tiêu chí nông thôn mới ở các xã đã được công nhận nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững; tạo nền tảng để xây dựng, đưa Thanh Chương đạt huyện nông thôn mới trong nhiệm kỳ 2025 – 2030