Nêu rõ những bộ đã giải quyết được những vấn đề nổi cộm lâu năm
Đánh giá cao báo cáo kết quả thực hiện công tác dân nguyện tháng 9.2024; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, các báo cáo đã nêu được rất nhiều nội dung mang hơi thở cuộc sống, những điều cử tri đang mong muốn và trông chờ vào các hoạt động giám sát cũng như giải quyết những kiến nghị của cử tri.
Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trưởng Ban Công tác đại biểu thấy rằng, các tờ báo lớn liên tục đưa tin về những nội dung, vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị và được các Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời liên quan đến các lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động - thương binh và xã hội… Điều đó cho thấy cử tri dành sự quan tâm rất lớn đối với các báo cáo kết quả thực hiện công tác dân nguyện tháng 9.2024; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp của Quốc hội.
Ghi nhận, báo cáo giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tương đối đầy đủ và toàn diện, song Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đặt kỳ vọng lớn hơn và mong muốn báo cáo thể hiện rõ, cụ thể hơn một số chi tiết. Đơn cử, báo cáo có khen một số bộ trong việc đã giải quyết kiến nghị cử tri, kiến nghị từ những kỳ trước. Vậy thì, báo cáo nên bổ sung tỷ lệ những kiến nghị của cử tri đã được giải quyết và những bộ nào đã giải quyết những vấn đề nổi cộm lâu năm cũng cần có địa chỉ cụ thể.
Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu vaccine, vật tư y tế
Báo cáo tóm tắt về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Bảy, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trên cơ sở kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền; ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội về đánh giá việc giải quyết kiến nghị của cử tri và kết quả làm việc với một số bộ, ngành, Ban Dân nguyện nhận thấy việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri có những hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cử tri và hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Trong đó, về việc thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Ban Dân nguyện thấy rằng, tình trạng thiếu vaccine đã diễn ra từ cuối năm 2022, đến tháng 9.2024 vẫn chưa được khắc phục triệt để, dẫn đến việc nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi, có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Do vậy, Ban Dân nguyện kiến nghị, Bộ Y tế có giải pháp quyết liệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng; đánh giá về ảnh hưởng khi trẻ em chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi, nhất là đối với những vaccine được chỉ định tiêm cho trẻ em ngay sau khi sinh ra và đưa ra các giải pháp khắc phục. Đồng thời, xem xét trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thiếu vaccine thời gian qua; đánh giá tình hình dịch sởi, bạch hầu, ho gà… và mối liên quan với tình trạng thiếu vaccine ở các địa phương; dự báo diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.
Quan tâm đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề này. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã rất nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực y tế.
Điển hình là, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sắp tới sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cũng đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025. Sắp tới, Quốc hội tiếp tục xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cũng có nhiều cố gắng trong việc sửa đổi, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn…
Nêu vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ và ngành y tế cùng các cấp cần triển khai đồng bộ. “Ngành y tế cần hết sức quyết liệt trong chỉ đạo vấn đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho người dân trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, những vấn đề được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận liên quan đến lĩnh vực y tế vẫn là câu chuyện cũ và không có tiến triển mới. Qua giải trình của đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng hay tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế và nếu không có những giải pháp cụ thể, hữu hiệu thì tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế quan tâm bàn thảo nhằm tìm cách tháo gỡ những nguyên nhân đã được xác định.
“Chúng ta không để kéo dài tình trạng thiếu vaccine, thiếu thuốc, vật tư tiêu hao, thiết bị… dẫn đến tăng giá các sinh phẩm, vật tư, thuốc…, từ đó sẽ có câu chuyện phát sinh tiêu cực trong quá trình thiếu vật tư tiêu hao, thiết bị”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, ngành y tế cần kiểm tra, đánh giá và gắn trách nhiệm của các địa phương, cơ sở thiếu quyết liệt, thiếu quyết tâm; cần thiết thì công khai những đơn vị làm tốt, những đơn vị làm chưa tốt.