Thường lệ, mỗi năm Quốc hội họp 2 kỳ. Tuy nhiên, Quốc hội có thể họp kỳ họp bất thường để xem xét các vấn đề cần thiết, cấp bách. Và ở Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất này, 4 nội dung quan trọng, cấp bách được đặt lên bàn nghị sự. Đó là, Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi chính sách tài khóa, tiền tệ này nếu được Quốc hội thông qua sẽ như “bình ô xy” được mở van để hỗ trợ kịp thời, khơi thông được điểm nghẽn nguồn vốn giúp cho doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế - xã hội nói chung phát triển sau một thời gian dài bị nén bởi Covid.

Dù năm 2021 khép lại với chỉ số tăng trưởng dương, nhưng nền kinh tế của chúng ta vẫn đang đối diện với không ít thách thức. Trong năm 2020 - 2021, tăng trưởng kinh tế liên tiếp giảm ở mức thấp. Tình hình sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ gặp nhiều khó khăn; nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức về ổn định vĩ mô, lạm phát…

Trong khi đó, theo Nghị quyết số: 16/2021/QH15, Quốc hội Khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Quốc hội đặt ra chỉ tiêu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%. Nhiều ý kiến cho rằng, với việc tăng trưởng GDP trong năm 2021 ước chỉ đạt 2,58% thì để hiện thực hóa mục tiêu GDP bình quân trong 5 năm tới như Quốc hội giao rất cần những chính sách tài khóa, tiền tệ đủ mạnh để tạo đòn bẩy cho nền kinh tế - xã hội phát triển sau đại dịch.

Để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định với tổng quy mô giải pháp tài khóa là 291 nghìn tỷ đồng. Về giải pháp tiền tệ, Chính phủ sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5% - 1% trong 2 năm. Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống… Theo tính toán, nếu thực hiện chính sách này, bội chi NSNN bình quân năm 2022 - 2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm; nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49 - 50% GDP; nợ Chính phủ 45 - 46% GDP, tạo áp lực lạm phát.

Có thể thấy, bên cạnh là “đòn bẩy”, thì chính sách tài khóa, tiền tệ có thể gây “tác dụng phụ” đối với nền kinh tế. Với những giải pháp tài khóa, tiền tệ này sẽ tác động đến chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, an toàn tài chính quốc gia, vay và trả nợ công. Tuy vậy, theo nhiều đại biểu và chuyên gia, đây là gói chính sách không thể đặng đừng vào lúc này. Bởi chỉ cần ban hành chính sách chậm trễ có thể nền kinh tế của chúng ta sẽ phải đối diện với nguy cơ bị “lỡ nhịp, lỡ cơ hội, tụt hậu” so với các nước. Có lẽ, đây cũng chính là một trong những lý do mà Quốc hội quyết định đưa nội dung quan trọng này vào trong chương trình nghị sự của Kỳ họp bất thường lần này.

Mong rằng, trên cơ sở thảo luận tâm huyết, thấu đáo của các đại biểu Quốc hội, cùng với những hiến kế của các chuyên gia trong nhiều hội thảo tọa đàm, gần đây nhất là Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, Quốc hội sẽ có quyết sách tài khóa, tiền tệ đủ mạnh cũng như các giải pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện nhanh, dễ kiểm tra, giám sát, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi khi thực hiện chính sách này.

Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường, việc tổ chức kỳ họp này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi các nội dung được đưa ra thảo luận, xem xét và quyết định lần này đều hết sức cấp bách nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình dịch bệnh. Việc tổ chức kỳ họp bất thường thể hiện sự linh hoạt, chủ động, đổi mới không ngừng trong hoạt động của Quốc hội. Điều đó càng khẳng định, mọi quyết đáp của Quốc hội đều xuất phát từ yêu cầu bức thiết của cuộc sống và vì lợi ích của Nhân dân.