bna-toan-canh-phien-thao-luan-tai-hoi-truong-dien-hong-nha-quoc-hoi-ngay-111-anh-nam-an-8687.jpg.webp
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội ngày 1/11. Ảnh: Nam An

Theo đó, Quốc hội thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

bna-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-va-cac-dong-chi-lanh-dao-quoc-hoi-chinh-phu-trao-doi-ben-le-phien-lam-viec-anh-nam-an-3532.jpg.webp
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ trao đổi bên lề phiên làm việc. Ảnh: Nam An

Trong ngày làm việc, ý kiến các đại biểu đã thảo luận, tranh luận nhiều nội dung, đặc biệt liên quan đến phát triển kinh tế, các đại biểu cho rằng, tình hình kinh tế nước ta có nhiều dấu hiệu khả quan trong giai đoạn giữa và cuối năm nay.

Tuy vậy, còn nhiều thách thức trong phát triển kinh tế thời gian tới, tổng cầu thấp, tín dụng cho nền kinh tế khó đạt được kế hoạch đề ra; áp lực lên tỷ giá, lạm phát, lãi suất cao; khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm.

Trước những khó khăn đó, các đại biểu cho rằng, cần sử dụng dư địa bội chi trong giai đoạn 2021 - 2025 để dành nguồn lực đầu tư cho các dự án cấp bách như y tế, giáo dục, các dự án giao thông quan trọng, để tăng trần đầu tư công cho giai đoạn mới; thực hiện đồng bộ chính sách tài khoá, tiền tệ; tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp; ưu tiên các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước; tập trung phát triển kinh tế biển kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh; sớm có khung pháp lý cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.

Đồng thời, trên lĩnh vực nông nghiệp, ý kiến thảo luận cũng nhận định, đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro; cần giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp; giải quyết kịp thời các vấn đề trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

bna-dai-bieu-nguyen-tuan-anh-doan-dbqh-tinh-binh-phuoc-dau-tu-cho-nong-nghiep-con-han-che-nguoi-nong-dan-gap-nhieu-rui-ro-9346.jpg.webp
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận, cho rằng đầu tư nông nghiệp còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro. Ảnh: Nam An

Các đại biểu Quốc hội cũng nhận định tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; do đó đề nghị đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính; rà soát việc đầu tư nguồn lực Nhà nước trong xây dựng ứng dụng phục vụ chuyển đổi số; đẩy mạnh thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Nhiều ý kiến cũng đồng thời nêu lên những băn khoăn, trăn trở trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, cần chú trọng giải pháp để đảm bảo chất lượng giáo dục trong giai đoạn hiện nay; quan tâm đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đại học; quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;…

bna-bi-thu-tinh-uy-thai-thanh-quy-truong-doan-dbqh-tinh-va-cac-dbqh-doan-nghe-an-du-tai-phien-thao-luan-ngay-111-anh-nam-an-9805.jpg.webp
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận ngày 1/11. Ảnh: Nam An

Ngoài ra, ý kiến đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu sớm sửa đổi pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung; nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; tập trung thu hút, trọng dụng nhân tài và xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc.

Thành Duy - Thu Nguyễn