Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi)
Toàn cảnh phiên làm việc chiều 19/6 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh |
Trước đó, tại phiên làm việc ở Hội trường Diên Hồng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021 với 473 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,75% tổng số đại biểu Quốc hội và biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi) với 92,91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An biểu quyết Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Ảnh: Quang Vinh |
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ. Thảo luận tại Tổ 3 với đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn, Bạc Liêu, đại biểu Đoàn Nghệ An có 2 ý kiến góp nhiều vào nhiều nội dung trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An nêu ý kiến về điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, có điều kiện, giấy tờ về nghiệm thu việc đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng tương ứng theo tiến độ dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Quang Vinh |
Theo vị đại biểu đoàn Nghệ An, quy định này rất khó thực hiện vì trong các quyết định về chấp thuận chủ trương đầu tư chỉ có quy định về hoàn thành từng nội dung của dự án, chưa lúc nào có quy định tiến độ hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Do vậy, nên đưa ra quy định này thực tế sẽ rất khó khả thi, nên cần cần nhắc, quy định rõ hơn.
Đại biểu cũng đề nghị, cần làm rõ “giấy tờ pháp lý của dự án” được quy định trong dự thảo luật là những giấy tờ nào?
Liên quan đến quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong các dự án bất động sản cho các cá nhân tự xây dựng nhà ở, đại biểu Thái Thị An Chung cho biết: Đây là vấn đề lâu nay có rất nhiều ý kiến. Qua giám sát ở các địa phương, có tình trạng dự án bất động sản để trống nhiều khi phân lô bán nền rồi chuyển nhượng cho cá nhân.
Do đó, đại biểu cho rằng, nên giao cho UBND cấp huyện đầu tư hạ tầng, sau đó thực hiện đấu giá đất sẽ hiệu quả hơn việc giao cho các doanh nghiệp xây dựng, hạ tầng phân lô bán nền cho người dân.
Đại biểu Thái Thị An Chung phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh |
Liên quan đến điều kiện đối với đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, đại biểu đồng tình với quy định là diện tích đất đó không nằm trong khu vực các phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II và đô thị loại III; song đồng thời đề nghị nghiên cứu để bổ sung hạn chế trên đối với các xã ở trong các đô thị loại đặc biệt, hoặc loại I, bởi nếu để cá nhân tự xây dựng nhà ở là không đảm bảo về mặt kiến trúc, quy hoạch.
Đại biểu cũng đề nghị Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng cần bổ sung thêm quy định trường hợp các chủ đầu tư đã chuyển giao cho cá nhân để xây dựng nhà ở, nhưng tiến độ chậm thì sẽ xử phạt ai, chủ đầu tư hay cá nhân xây dựng nhà ở?
Liên quan đến phương thức thanh toán trong giao dịch bất động sản, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị quy định rõ không dùng tiền mặt, mà thanh toán qua ngân hàng.
Thảo luận về dự án luật trên, ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, cần phải cân nhắc kỹ xét phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) liên quan đến quyền sử dụng đất.
Vì theo Bộ Luật Dân sự, quyền sử dụng đất là một loại quyền tài sản nhưng khi đưa vào Luật Kinh doanh bất động sản thì xem quyền tài sản là một loại hình kinh doanh bất động sản; điều này về mặt lý luận là chưa phù hợp, cần xem xét lại để làm rõ bản chất. “Có lẽ trong Luật Đất đai phải làm rõ khái niệm “quyền sử dụng đất”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu ý kiến.
Liên quan đến điều kiện khi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, trong đó có một trong các điều kiện quan trọng là chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án, gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) của dự án.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh |
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu đồng ý với ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là vẫn cho phép chuyển nhượng dự án, tuy nhiên cần đi kèm theo điều kiện chặt chẽ đối với tổ chức tiếp nhận dự án bất động sản, trong đó có quy định cụ thể về ký quỹ, cam kết hoàn thành nghĩa vụ tài chính của dự án.
Dẫn ý kiến một số chuyên gia lo ngại việc cho phép chuyển nhượng dự án dễ dàng thì có thể dẫn đến việc trao qua tay rất nhiều chủ đầu tư, tăng giá bất động sản lên. Song theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, thực tế không hẳn là như nhận định trên vì việc quyết định giá theo nhu cầu của thị trường.
Liên quan đến quy định, chủ đầu tư bán, cho thuê, mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để người dân tự xây dựng nhà ở phải thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản theo quy định của Luật này.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhận định: Mục đích đưa ra quy định trên để bảo đảm quyền của người dân khi mua các bất động sản có thông tin đầy đủ. Tuy nhiên, theo quan điểm của đại biểu, không nên quy định bắt buộc như trên mà có thể quy định giao dịch qua sàn bất động sản hoặc công chứng để người dân có nhiều hình thức lựa chọn, có quyền tiếp cận thông tin; còn nếu chỉ quy định giao dịch các loại hình dự án trên, nhất là đối với dự án hình thành trong tương lai chỉ qua sàn cũng đặt ra vấn đề năng lực của các sàn giao dịch, và cả tính minh bạch; vì trong quá khứ cho thấy có những sàn là "sân sau" của các công ty bất động sản, nên việc quyền lợi tiếp cận thông tin của người dân chưa được bảo đảm.
Thành Duy - Phan Hậu