Đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước

Luật Căn cước sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương 46 điều. Luật quy định những quy định chung; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; việc cấp, quản lý căn cước điện tử; bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử; quản lý nhà nước về căn cước và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử; điều khoản thi hành.

Theo Điều 3 Luật Căn cước, thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này. Luật Căn cước quy định, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

qh-sang01-1701051587566.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh; Hồ Long

Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31.12.2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 45 Luật Căn cước, quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15.1.2024. Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 68/2020/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành.

Công dân phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, cập nhật thông tin trong trường hợp không phải đổi thẻ căn cước

Trước đó, trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về tên gọi của dự thảo Luật và tên thẻ căn cước, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ Sáu và phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa hai đợt của Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội đều đồng ý với tên gọi của dự thảo Luật và tên thẻ căn cước đã được giải trình tại Báo cáo số 666/BC-UBTVQH15 ngày 24.10.2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.

qh-sang05-1701051662135.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo. Ảnh: Hồ Long

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số. Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, thì việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.

Từ những vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ Nhân dân. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghị Quốc hội cho giữ tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước.

Về thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt vào điểm d khoản 1 tương tự như đối với việc thu thập thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện triển khai trong thực tiễn.

qh-sang09-1701051766276.jpg
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Giải trình ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, khoa học hiện nay đã chứng minh, cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian. Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Về các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước (Điều 24), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, một số ý kiến đề nghị tại điểm d khoản 1 bổ sung từ “in” và sửa lại thành “Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước”. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý nội dung này như dự thảo Luật và báo cáo như sau: Khi các thông tin của công dân được lưu trữ, mã hóa trong bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước có sai sót thì cũng phải cập nhật, điều chỉnh để bảo đảm thông tin trên thẻ phản ánh chính xác với thực tế và thống nhất với thông tin trong các cơ sở dữ liệu, thông tin trong căn cước điện tử…, đáp ứng yêu cầu đúng, đủ, sống, sạch, cũng như quyền lợi của người dân khi thực hiện các giao dịch.

qh-sang08-1701051828847.jpg
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Do đó, trong trường hợp không phải đổi thẻ căn cước thì công dân phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, cập nhật thông tin. Để xử lý trường hợp này, bên cạnh việc chỉnh lý điểm d khoản 1 Điều 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung nội dung giao Chính phủ “quy định trình tự, thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước” tại khoản 6 Điều 22 như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.