Quốc hội bước vào tuần thứ hai của kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng.

Sáng nay (30/10), Quốc hội sẽ nghe báo cáo về việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Sau đó, các ĐBQH sẽ thảo luận cả ngày về nội dung này. Cuối phiên thảo luận, thành viên Chính phủ có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Ngày 31/10, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

202310231234007749-cqh-1291-1599.jpg
Ảnh: Quốc hội

Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày thảo luận ở hội trường về một số vấn đề lớn, gồm: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về vấn đề đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước…

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với một số nội dung còn ý kiến khác nhau sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong ngày 3/11.

Như vậy, Quốc hội tuần này sẽ dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Tất cả các nội dung trên đều được truyền hình và phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Báo cáo trước Quốc hội đầu kỳ họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cần nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5-4%.

Tăng trưởng GDP quý 3 đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm.

Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75.000 tỷ đồng.

Một trong những nội dung được Thủ tướng cho biết, nhờ thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, Chính phủ đã trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.

Liên quan đến cải cách tiền lương, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ chính thức thông qua chính sách cải cách tiền lương. Đây là điểm nhấn và là dấu ấn của Quốc hội kỳ này, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

"Qua 4 lần cải cách tiền lương, tôi thấy chưa có lần nào chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này. Đây là một chính sách lương mới rất tiến bộ, công bằng, thật sự hài hòa và hợp lý", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định. Trong đó, ngành giáo dục, y tế sẽ thực hiện được mục tiêu tăng lương, tạo sự phấn khởi trong viên chức, nhất là giáo viên, bác sĩ.