Chất vấn nói riêng và hoạt động giám sát nói chung là một trong những nội dung quan trọng, không thể thiếu trong các kỳ họp Quốc hội. Qua đó, các đại biểu đã “thổi” vào nghị trường những hơi thở của cuộc sống.
Đó là những bức xúc, day dứt của người dân về “con đường tử thần” xuyên qua trái tim thành phố Đông Hà, Quảng Trị do dự án đường tránh kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành vì thiếu vốn.
Đó là mong ước có được hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối liên vùng khu vực Tây Bắc để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.
Đó là những câu chuyện tréo ngoe trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia khi chủ trương đúng nhưng thủ tục quá rườm rà khiến cho nhiều địa phương rơi vào tình cảnh “có tiền mà không tiêu được”.
Với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, chất vấn và trả lời chất vấn cũng như hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng chất lượng, sát thực tiễn với nhiều đổi mới, kịp thời giải quyết vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Đại biểu “truy đến cùng”, buộc các cơ quan chức năng phải “tháo gỡ đến cùng” đúng theo tinh thần “chất vấn, giám sát, hứa và làm”, không có chuyện hỏi suông, hứa suông rồi để đó.
Điều đó một lần nữa khẳng định vị thế của Quốc hội và vai trò của từng đại biểu Quốc hội, để xứng tầm là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến nay, hoạt động giám sát luôn được chú trọng, qua đó góp phần đưa chính sách vào cuộc sống, đồng thời giúp các cơ quan chức năng thấy được những tồn tại, vướng mắc để tự soi, tự sửa.
Năm 2023, dù còn nhiều khó khăn và với khối lượng công việc rất lớn, nhưng Quốc hội đã nỗ lực cố gắng hoàn thành với chất lượng cao, nhất là các hoạt động giám sát ngày càng đổi mới, chất lượng, hiệu quả.
Từ kết quả cho thấy việc lựa chọn, quyết định nội dung giám sát, chất vấn đã bám sát thực tiễn, “đúng”, “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
KẾT QUẢ GIÁM SÁT GIÚP NGÀNH Y TẾ VƯỢT QUA "CƠN BÃO" COVID-19
Trao đổi với VietNamNet, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, hoạt động giám sát là một trong 3 chức năng quan trọng của Quốc hội.
“Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã triển khai rất nhiều hoạt động giám sát quan trọng. Thông qua đó đã đưa các nghị quyết, chính sách quan trọng vào cuộc sống, đồng thời giảm bớt sự lãng phí, tiêu cực, tham ô, tham nhũng. Điều đó góp phần tạo được niềm tin trong nhân dân, cử tri”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Riêng đối với ngành y, bác sĩ Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương) cho biết, trong những năm gần đây, đặc biệt là trong và sau đại dịch Covid-19, Quốc hội đã dành thời lượng rất lớn cho các hoạt động giám sát trong lĩnh vực Y tế.
Cá nhân vị đại biểu đoàn Hà Nội là thành viên của nhiều đoàn giám sát về các vấn đề như: Chống dịch Covid-19, y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đầu tư xây dựng…
“Đại dịch Covid-19 giống như trận bão quét qua ngành Y tế khiến mọi thứ đều chao đảo. Sau đó, các đoàn giám sát của Quốc hội đã vào cuộc, chỉ ra những vấn đề còn thiếu sót, khiếm khuyết để các cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh. Nhờ vậy, đến nay hệ thống y tế Việt Nam tương đối ổn định so với hơn 1 năm trước. Cá nhân tôi, với tư cách là người trong ngành Y tế cảm thấy rất mừng với những kết quả đã đạt được thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội”, ông Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, vẫn còn một số tồn tại của ngành Y tế dù đã được Quốc hội chỉ rõ thông qua hoạt động giám sát nhưng hiệu quả chuyển biến chưa cao, đặc biệt trong đó là lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Điển hình là sự lãng phí của dự án Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam đã được đầu tư xây dựng nhiều năm nhưng chưa hoàn thiện. “Điều đó cho thấy vẫn còn sự lãng phí, trì trệ trong đầu tư xây dựng của ngành Y tế”, ông Nguyễn Anh Trí nói thêm.
Ông Trí cũng chia sẻ, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ việc khám chữa bệnh cho nhân dân vẫn đang diễn ra tại các bệnh viện, cơ sở y tế.
Trong báo cáo do Thủ tướng Phạm Minh Chính đọc trước Quốc hội hôm khai mạc kỳ họp thứ 6 đã nêu một vấn đề tồn tại và sự thiếu sót sau chiến thắng đại dịch Covid-19 vừa qua là “để thiếu thuốc và vật tư y tế cho nhân dân”.
Các cơ quan báo chí phản ánh thiếu túi đựng máu tại Cần Thơ nên không thu gom được máu. Liên quan đến máu, vấn đề đáng quan tâm là không có người hiến, hiện nay, người hiến luôn sẵn sàng nhưng lại không có túi đựng máu. Đây là câu chuyện đã kéo dài mà vẫn chưa được giải quyết.
Từ đó, có thể mở rộng ra nhiều cái thiếu nữa là thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, vắc xin phòng bệnh... Tình trạng này đang xảy ra ở các cấp, từ bệnh viện trung ương đến các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Đại biểu mong muốn cần làm rõ, xem sự thật đến đâu, tìm ra nguyên nhân vì sao và thiếu đến đâu.
Ông nhấn mạnh cần phải tìm ra nguyên nhân và tháo gỡ bằng được. Tuyệt đối không để nhân dân thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế khi đi khám, chữa bệnh.
Cá nhân đại biểu Nguyễn Anh Trí đã chính thức đề nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội phải thực hiện một cuộc giám sát trong toàn ngành y tế, giám sát đến nơi đến chốn để trả lời được câu hỏi: Tại sao các văn bản pháp quy từ luật đến nghị định, thông tư đã được ban hành mà tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn diễn ra; khó khăn, ách tắc vẫn còn đó?
"BỨC TRANH" ĐỂ CƠ QUAN ĐƯỢC GIÁM SÁT TỰ SOI, TỰ SỬA
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) cho rằng, bản chất của hoạt động giám sát là kiến tạo và phát triển.
“Trong quá trình thực thi pháp luật mà không có hoạt động giám sát thì rất khó để bản thân đơn vị thực hiện chính sách pháp luật hiểu được mình còn những khiếm khuyết gì cần phải sửa chữa, cần phải thay đổi. Do vậy, kết quả của hoạt động giám sát là bức tranh để các bộ ngành tự soi, tự sửa để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nói.
Theo đại biểu đoàn Hải Dương, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 có sự đổi mới rất lớn về hoạt động lập pháp, giám sát và cả các quyết định quan trọng. Riêng hoạt động giám sát được Chủ tịch Quốc hội quan tâm, tập trung thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ. Điều này được thể hiện qua công tác xem xét báo cáo, đẩy mạnh công tác giám sát chuyên đề, công tác chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm.
“Chủ tịch Quốc hội đã nói rõ, phương châm giám sát là kiến tạo và phát triển. Điều đó có nghĩa là hoạt động giám sát không phải để tìm ra những tồn tại gây khó cho Chính phủ, mà là tìm ra vấn đề để cùng tháo gỡ điểm nghẽn, từ đó đưa chính sách vào cuộc sống”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho hay.
Thông qua các báo cáo giám sát, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhận thấy, hầu hết đã chỉ rõ được ai, ở đâu, làm gì và tại sao để xảy ra những tồn tại, vướng mắc khiến các chính sách chưa đi vào cuộc sống, nhân dân, doanh nghiệp còn băn khoăn.
“Nghị quyết giám sát về thực hành tiết kiệm chống lãng phí với hàng nghìn trang tài liệu đã nêu rõ địa chỉ cơ quan, đơn vị cần phải khắc phục những tồn tại. Cách làm đó rất hiệu quả, vì như câu chuyện cái sai của mình được công khai thì sẽ chuyển biến nhanh hơn với chuyện sai nhưng bên ngoài không ai được biết để giám sát”, vị đại biểu đoàn Hải Dương nêu ví dụ.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nghiêm nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực, được đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Công tác giám sát lại cần được tiếp tục triển khai để đảm bảo nghị quyết của Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; đánh giá được sự chuyển biến so với yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong các nghị quyết của Quốc hội.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giám sát lại trong các giai đoạn tiếp theo, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần chủ động, tích cực tổ chức giám sát, khảo sát để phục vụ việc xây dựng báo cáo thẩm tra về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Tổng Thư ký Quốc hội lưu ý Chính phủ và các cơ quan cần đề cao trách nhiệm cá nhân, công tác phối hợp hành động để thực hiện có hiệu quả hơn nghị quyết của Quốc hội.
Từ thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung và của đại biểu Quốc hội nói riêng ngày càng khẳng định vị thế của Quốc hội xứng tầm là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”.
Và đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần lưu ý: “Hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”.
Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Chính phủ đã gửi đến các đại biểu Quốc hội 19 báo cáo đầy đủ (dài 1.337 trang) về kết quả thực hiện 10 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến kỳ họp thứ 4.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH đề ra.
Trong đó, nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực và một số nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài đang được triển khai quyết liệt.
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan và tiếp tục cần thời gian để hoàn thành.
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.