Đền Hoàng đế Quang Trung là công trình kiến trúc mang nhiều giá trị về lịch sử, tâm linh, văn hóa gắn liền với việc thờ vị vua anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Lễ hội đền thờ Hoàng đế Quang Trung được tổ chức vào ngày 29/7 âm lịch hàng năm. Trong thời gian qua, hoạt động lễ hội đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của UBND thành phố. Với sự nỗ lực của các phòng, ban, đơn vị, Ban Quản lý di tích, hoạt động lễ hội được tổ chức nghiêm túc, bài bản, đảm bảo các ý nghĩa, giá trị cần thiết, hạn chế việc hành chính hóa lễ hội; bài trừ hiệu quả các hủ tục mê tín dị đoan; phục hồi lại những hoạt động văn hóa tâm linh cổ truyền, hướng về cội nguồn, có tính giáo dục truyền thống văn hóa và lịch sử đối với các tầng lớp Nhân dân, được đông đảo Nhân dân đón nhận và hưởng ứng.
Phần lễ được tổ chức long trọng với các hoạt động như Lễ khai quang, Lễ yết cáo, Lễ rước, Lễ đại tế, Lễ tạ... tái hiện lịch sử về việc Vua Quang Trung xây thành Phượng Hoàng Trung Đô, đồng thời bày tỏ sự tôn kính, lòng biết ơn, niềm tự hào của người dân dành cho người Anh hùng áo vải Quang Trung. Phần hội với rất nhiều chương trình nghệ thuật quy mô và hoành tráng: Giao lưu nghệ thuật "Xứ Nghệ với Quang Trung", Hội thi người đẹp Phượng Hoàng Trung Đô, Chương trình biểu diễn văn nghệ của các phường xã... Ngoài ra nhiều cuộc thi thể thao cũng được tổ chức trong khuôn khổ của lễ hội như "Giải Việt giã leo núi về với Phượng Hoàng Trung Đô", giải thể thao quần chúng với các môn thi đua thuyền, kéo co, đẩy gậy, thể dục dưỡng sinh, biểu diễn võ thuật, thi đấu vật cổ truyền...
Qua khảo sát, cho thấy tại di tích đã thực hiện quy hoạch, sắp xếp bố trí khu vực tổ chức hoạt động dịch vụ các quầy bán hàng “tự giác”, niêm yết công khai giá các mặt hàng; tại di tích không có hiện tượng bán hàng rong, ăn xin, chèo kéo, ép khách hay các hoạt động dịch vụ gây lộn xộn tại Đền.
Tuy nhiên, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Đền còn có một số hạn chế như: Công tác tổ chức lễ hội chưa xứng tầm với giá trị, ý nghĩa của di tích; công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động lễ hội chưa thực sự hiệu quả; sự lan tỏa, tầm ảnh hưởng của lễ hội chưa sâu rộng, chưa thực sự thu hút du khách; chưa có các hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn, điểm dừng chân; các dịch vụ chưa đa dạng, thiếu các sản phẩm đặc trưng của xứ Nghệ, của Đền nên chưa đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của du khách.
Đồng chí Nguyễn Văn Xuân - Phó Ban Thường trực Ban quản lý di tích và đền thờ Hoàng đế Quang Trung cho biết hiện tại hoạt động tại di tích nói chung và công tác quản lý, tổ chức lễ hội chưa xứng tầm với vị trí, ý nghĩa của di tích; nguyên nhân chủ yếu là do di tích chưa có các công trình phụ trợ, dịch vụ cần thiết, chưa có các điểm dừng chân, “check in”, vui chơi giải trí;... đó là những hạn chế khiến cho Đền thờ Hoàng đế Quang Trung - điểm di tích có vai trò quan trọng đối với thành phố Vinh – chưa thực sự thu hút, giữ chân du khách. Vì vậy, cần có sự quan tâm, đầu tư các hạng mục, kết nối với các điểm du lịch để xứng tầm với vai trò, ý nghĩa của di tích đền Hoàng đế Quang Trung.
Đồng chí Chu Đức Thái, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND thành phố, sự nỗ lực của Ban quản lý di tích trong công tác quản lý, phát huy giá trị di tích và trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội; nhờ đó hoạt động tại di tích khá quy củ, nề nếp, đặc biệt có nhiều cách làm mới, phù hợp như bố trí các gian hàng tự giác;….việc tổ chức lễ hội đảm bảo đúng quy định, ý nghĩa, văn minh. Thời gian tới, để xây dựng di tích đền Hoàng đế Quang Trung xứng tầm, đề nghị UBND thành phố có kế hoạch cụ thể để tăng cường quảng bá, tuyên truyền giá trị di tích, ý nghĩa lễ hội Đền Quang Trung; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch di tích kết nối với Quần thể di tích - danh thắng Phượng Hoàng, Trung Đô và kết nối với các điểm di tích, điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu phối hợp với ngành giáo dục để tăng cường tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho học sinh; tăng cường bảo tồn, bổ sung, tái hiện các hiện vật tại di tích;…