1. Cử tri Ngân Đình Phòng, trú tại bản Huồi Mác, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông đề nghị quan tâm chi trả kịp thời kinh phí hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Kinh phí hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” đã được bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sở Tài chính đã thực hiện cấp phát kinh phí năm 2022, 2023 cho các huyện, thị xã để hỗ trợ kinh phí làm nhà ở cho các hộ dân thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Chương trình. UBND huyện Con Cuông căn cứ kinh phí bổ sung có mục tiêu ngoài dự toán đầu năm đã được Sở Tài chính thông báo để cấp phát cho UBND các xã và hướng dẫn UBND các xã căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để chi trả kinh phí hỗ trợ nhà ở cho các hộ dân kịp thời, đúng quy định.

2. Cử tri Lương Văn Nhẫn, trú tại bản Khe Thơi, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông phản ánh Thủy điện Chi Khê tích nước đã làm ngập đường đi sản xuất của người dân. Kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với Nhà máy Thủy điện Chi Khê làm cầu qua đoạn đường bị ngập này để Nhân dân đi lại sản xuất.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo báo cáo của UBND huyện Con Cuông: Qua kiểm tra thực tế đường đi sản xuất của nhân dân bản Piềng Khử là một lối mòn đi tắt qua lòng khe để người dân qua bờ trái của Khe Thơi sản xuất nông nghiệp chứ không phải là đường dân sinh. Hiện nay, việc nhân dân đi lại từ bờ trái sang bờ phải Khe Thơi để sản xuất hoàn toàn dễ dàng, an toàn và thuận lợi theo đường nội thôn nối với QL7A và nối với đường Liên thôn hai bên bờ Khe Thơi, bởi vì từ trung tâm của Thôn đến QL 7A có khoảng cách từ 600m-800m và từ QL7A đến khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân có khoảng cách 700m đến 900m. Vì vậy việc xây cầu theo kiến nghị của cử tri là chưa thực sự cần thiết.

3. Các cử tri: Lô Văn Dũng, Lô Thị Phòng; cùng trú tại bản Bãi Gạo, xã Châu Khê, huyện Con Cuông kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết việc sau khi Thủy điện tích nước lên cao trình 38, gây ra ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và làm sụt lún nhà ở của người dân.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 6723/STNMT-BVMT ngày 28/9/2023, UBND tỉnh đã có Công văn số 8577/UBND-CN ngày 11/10/2023 về việc kiểm tra phản ánh ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và hư hại công trình liên quan đến tích nước của Nhà máy thủy điện Chi Khê. Trong đó: giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Con Cuông xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho người dân bảo đảm đúng quy định; Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với Công ty CP Thủy điện Chi Khê để xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có); yêu cầu: Công ty Thủy điện Chi Khê thực hiện nghiêm túc các nội dung tại văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường nêu trên.

4. Cử tri Ngân Đình Phòng, trú tại bản Huồi Mác, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông đề nghị sớm cấp gạo bảo vệ rừng cho Nhân dân theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

UBND tỉnh trả lời như sau:

- Đối với trường hợp cụ thể là cử tri Ngân Đình Phòng, qua UBND huyện Con Cuông xác nhận, cử tri Ngân Đình Phòng không phải là hộ gia đình thuộc đối tượng hộ gia đình nghèo. Vì vậy hộ gia đình cử tri Ngân Đình Phòng không thuộc đối tượng được nhận trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và quy định cụ thể tại Quyết định số 833/QĐ-UBND ngày 29/3/2023 của UBND tỉnh quy định và ủy quyền thực hiện nhiệm vụ trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng.

- Đối với các đối tượng thuộc diện được trợ cấp gạo, UBND huyện Con Cuông đang lập hồ sơ thực hiện trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại các Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An: Quyết định số 833/QĐ- UBND ngày 29/3/2023 Quy định ủy quyền thực hiện nhiệm vụ trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng và Quyết định số 843/QĐ-UBND ngày 29/3/2023 quy định mức trợ cấp và số lần trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp &PTNT. Dự kiến sẽ thực hiện trợ cấp gạo cho các đối tượng trong năm 2023.

5. Cử tri xã Lạng Khê, huyện Con Cuông đề nghị lắp đặt biển hạn chế tốc độ và gờ giảm tốc trên đường Quốc lộ 7A (đoạn qua cổng trường THCS và Trường Tiểu học xã Lạng Khê, huyện Con Cuông).

UBND tỉnh trả lời như sau:

Cổng trường THCS Lạng Khê tại Km113+320 (T) QL.7, trường tiểu học Lạng Khê tại Km113+450 (T) QL.7 nằm trong khu vực có dân cư sinh sống đông đúc từ Km113+260 - Km114+00; Hiện trạng đoạn tuyến là đường cấp IV miền núi, mặt đường BTN rộng 6m, lề bê tông mỗi bên rộng 1m, hai bên có hệ thống rãnh thoát nước có nắp đậy bằng BTCT. Nhà dân cách mép đường từ 6-8 (m). Phạm vi hai đầu các cổng trường hiện nay đã được bố trí biển cảnh báo nguy hiểm có trẻ em (W.225).

Để tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đoạn tuyến đi qua khu vực các trường học, Khu QLĐB II đã đưa vào kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2024, hạng mục bổ sung hệ thống vạch sơn gờ giảm tốc, biển cảnh báo đoạn đường hay xảy ra tai nạn (W.244) và biển báo đi chậm (W.245) trên các đoạn qua vị trí trường học. Hiện nay, Khu QLĐB II đã chỉ đạo đơn vị BDTXĐB tiến hành sơn gờ giảm tốc và lắp đặt các biển báo W.244, W.245 trên đoạn tuyến.

Riêng đề nghị của cử tri về lắp đặt biển hạn chế tốc độ trên đường QL.7 (đoạn qua cổng trường THCS và trường tiểu học Lạng Khê, huyện Con Cuông), Khu QLĐB II đã chỉ đạo Văn phòng QLĐB II.2 phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương (UBND huyện Con Cuông và UBND xã Lạng Khê) và các bên có liên quan tổ chức kiểm tra hiện trường đoạn tuyến để xem xét, thống nhất giải pháp xử lý phù hợp.

6. Cử tri Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Lạng Khê, huyện Con Cuông kiến nghị có chính sách hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ tiền trực trưa cho giáo viên Mầm non.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Hiện nay, trẻ em mẫu giáo tại vùng đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ tiền ăn ăn trưa bằng 160.000 đồng/trẻ/tháng theo quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ về Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Đối với trẻ nhà trẻ chưa được hưởng chính sách như trẻ mẫu giáo, tuy nhiên, tại thời điểm tháng 7 năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định “Quy định về chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách (dự thảo Nghị định đã xin ý kiến góp ý lần 2).

+ Về đề nghị hỗ trợ tiền trực trưa cho giáo viên Mầm non: Căn cứ các Nghị quyết của HĐND tỉnh Nghệ An: số 31/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 Quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập; mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Nghệ An; số 15/2022/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 2, Nghị quyết số 31/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An Quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập; mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Nghệ An, theo đó HĐND tỉnh quy định mức thu để chi trả tiền thuê khoán người nấu ăn và chi phí tổ chức bán trú cho các cấp học trong đó bao gồm cấp học mầm non. Như vậy kinh phí trực trưa cho giáo viên mầm non được sử dụng từ nguồn thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập.

Năm học 2023-2024, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh thỏa thuận với phụ huynh để thu tiền và chi trả tiền trực trưa cho giáo viên với mức thấp nhất 20.000đ, cao nhất 30.000đ/1 buổi trực trưa. Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở GDMN tập trung tuyền truyền, phối hợp với gia đình, nhà trường và cộng đồng để thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, cùng tham gia chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ, quan tâm đến chế độ chính sách cho giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn.

7. Cử tri Hà Minh Triệu, trú tại bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông kiến nghị sửa đổi tiêu chí đánh giá chấm điểm cho hộ nghèo vì tiêu chí như hiện nay chưa phù hợp, cần đánh giá chấm điểm các phương tiện theo giá trị thực tế.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay là phương pháp khảo sát thông tin của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025; Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH ngày 18/7/2021 và Thông tư số 02/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH ngày 18/7/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 và biểu mẫu báo cáo. Phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại các văn bản nêu trên được áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước. Vì vậy, ý kiến đề nghị của cử tri là chưa có cơ sở.

8. Cử tri thôn Trung Tín, xã Yên Khê, huyện Con Cuông kiến nghị ngành điện khảo sát, có giải pháp khắc phục tình trạng điện yếu, không đảm bảo phục vụ được sản xuất kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày của người dân.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Ngày 20/7/2023 sau khi nhận được phản ánh của người dân thôn Trung Tín xã Yên Khê về việc điện áp thấp. Điện lực Con Cuông đã kiểm tra phát hiện nguyên nhân do chạm chập dây ra 3 pha của khách hàng dẫn đến điện áp thấp. Điện lực Con Cuông đã phối hợp cùng khách hàng tiến hành khắc phục và xử lý xong. Hiện tại, điện áp vào giờ cao điểm đo được tại vị trí cuối nguồn là 225V đảm bảo chất lượng để phục vụ được sản xuất kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày của người dân.

9. Cử tri xã Châu Khê, huyện Con Cuông kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thu hồi đất của Công ty Thương mại Đồng Tiến tại bản Châu Định, xã Châu Khê, huyện Con Cuông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích để xây dựng cơ sở sản xuất đũa tre xuất khẩu, nhưng Công ty này đã ngừng sản xuất và chuyển đi nơi khác từ năm 2010, nay là bãi đất trống. UBND xã Châu Khê đã có văn bản gửi UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường về nội dung trên nhưng đến nay chưa được giải quyết.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 6105/STNMT-QLĐĐ ngày 06/9/2023 đề nghị UBND huyện Con Cuông đề xuất bổ sung dự án của Công ty Thương mại Đồng Tiến tại bản Châu Định, xã Châu Khê, huyện Con Cuông đưa vào kế hoạch kiểm tra theo Công văn số 918/STNMT-QLĐĐ về việc phối hợp rà soát, báo cáo các dự án có dấu hiệu chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, vi phạm pháp luật đất đai. Ngày 15/9/2023, UBND huyện Con Cuông có Văn bản số 2287/UBND.TN đề xuất bổ sung dự án của Công ty thương mại Đồng Tiến vào kế hoạch kiểm tra. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung dự án vào kế hoạch kiểm tracác dự án có dấu hiệu chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, vi phạm pháp luật đất đai. 

10. Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể:

+ Xây dựng hệ thống mương thoát nước 2 bên Quốc lộ 7A, đoạn qua thôn Vĩnh Hoàn và thôn 2/9, do vào mùa mưa nước không thoát làm ngập úng nhà ở, đất sản xuất của nhiều hộ dân (cử tri thôn 2/9 và thôn Vĩnh Hoàn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông).

UBND tỉnh trả lời như sau:

Quốc lộ 7 đoạn từ Km86+300 - Km88+200 qua địa bàn thôn 2/9 và thôn Vĩnh Hoàn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông có quy mô đường cấp IV miền núi, bề rộng mặt đường Bmặt=6,0m, Bnền = 8,0m. Hệ thống thoát nước trên tuyến đã được bố trí: 04 cống tròn Φ1,0m tại Km86+510, Km87+130, Km87+780 và Km88+060; rãnh thoát nước dọc hình thang tại: Km87+1000 - Km87+1080 (phải tuyến), Km88+200 - Km88+360 (phải tuyến), Km88+070 - Km88+300 (trái tuyến); các đoạn rãnh đất tại: Km87+300 - Km87+450 (phải tuyến), Km87+550 - Km87+600 (phải tuyến), Km87+700 - Km87+1000 (phải tuyến). Đoạn từ Km86+300 - Km86+500 phía phải tuyến là mái taluy âm và đất canh tác của người dân, đoạn từ Km86+300 - Km86+600 phía trái tuyến là đất trống và vườn nhà dân, cao độ thấp hơn mặt đường nên không cần thiết bổ sung rãnh. Đoạn từ Km86+500 - Km88+200 (phải tuyến) và Km86+580 - Km88+200 (trái tuyến) có nhà dân sinh sống dọc bên tuyến, nhưng nằm ngoài phạm vi đất của đường bộ (hiện đang cách mép đường từ 6-8m). Vào một số thời điểm mưa lớn, nước mưa chảy theo dốc dọc mặt đường thoát về các cống ngang đường, một phần chảy vào đất của người dân, nhưng không có tình trạng đọng nước trên mặt đường, lề đường. Vì vậy, đề nghị xây dựng rãnh của cử tri thôn 2/9 và thôn Vĩnh Hoàn, xã Bồng Khê chưa thực sự cấp bách, cần thiết.

Khu QLĐB II đã thường xuyên chỉ đạo Văn phòng QLĐB II.2, Công ty CP 495 (đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến QL.7) thường xuyên nạo vét, khơi thông cống rãnh đảm bảo thoát nước. Trong giai đoạn hiện tại, do nguồn vốn dành cho công tác quản lý bảo trì đường bộ hàng năm còn rất hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư để khắc phục sửa chữa hệ thống đường quốc lộ rất lớn, nên chỉ ưu tiên cải tạo, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông, xử lý ùn tắc giao thông, tăng cường hệ thống báo hiệu đường bộ, ATGT, khắc phục bão lũ bước 2, sửa chữa cầu, sửa chữa nền mặt đường, kết cấu công trình hư hỏng nặng. Khu QLĐB II ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ xem xét báo cáo Cục ĐBVN cho phép đầu tư xây dựng khi cân đối được nguồn vốn trong kế hoạch bảo trì đường bộ của các năm tiếp theo. Ngoài ra, Khu QLĐB II cũng đề nghị chính quyền địa phương (UBND huyện Con Cuông, UBND xã Bồng Khê,...) thường xuyên tuyên truyền cho người dân sinh sống hai bên đoạn tuyến không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, không trồng cây cảnh, hoa màu sát hai bên lề đường gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông; chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất dành cho đường bộ mà cơ quan quản lý đường bộ đã lập biên bản trên địa bàn và làm mất tác dụng của cửa xả rãnh thoát nước dọc và cống.