Sáng 16/10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp phiên thứ hai theo hình thức trực tuyến với các bộ, ngành địa phương. Đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì.
Chuyển biến tích cực
Thời gian qua, việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã gắn kết với chuyển đổi số theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần, chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ngày một được cải thiện.
Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách, quy định trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Việc quán triệt, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, công chức, viên chức đã được nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm tổ chức để triển khai 5 nội dung đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tại bộ, ngành, địa phương.
Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được quan tâm triển khai. Theo báo cáo của các bộ, địa phương, 100% cơ quan, đơn vị quan tâm nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; 42/76 bộ, cơ quan, địa phương (chiếm 55,3%) đã xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử trên Hệ thống thủ tục hành chính, giải quyết TTHC; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đã được triển khai ở 9.200/11.956 bộ phận một cửa, chiếm 76,9% (8.364 bộ phận một cửa địa phương, 836 bộ phận một cửa thuộc cấp bộ, cơ quan được tổ chức theo ngành dọc).
Thực hiện Đề án 06, 15 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công như: Xác thực, định danh, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy,…
Trong đó 9 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện tiếp nhận và xử lý tra cứu, xác thực thông tin cho 1,2 tỷ trường hợp, đồng bộ thông tin công dân cho 536 triệu trường hợp, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện các thủ tục kiểm tra xác minh, sao in hồ sơ, giấy tờ tùy thân,… đã thu nhận 64,3 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, kích hoạt trên 42 triệu tài khoản, có 24 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử để chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho việc sử dụng tài khoản VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính.
Dịch vụ công trực tuyến có sự cải thiện rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Các dịch vụ công liên thông điện tử được đẩy mạnh dựa trên kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị; tích hợp, cung cấp gần 4,5 nghìn dịch vụ công trực tuyến; phục vụ xác thực, định danh và đăng nhập một lần của gần 10 triệu tài khoản, với 2,8 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin và dịch vụ, trung bình mỗi ngày có 106 nghìn hồ sơ trực tuyến, 50 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến trên cổng.
Bộ phận Một cửa của nhiều bộ, ngành, địa phương đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp và chủ động đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng hoạt động. Nhiều địa phương đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp, sáng kiến để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, giảm thời gian chờ đợi của người dân.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành địa phương đã trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, cách làm; những khó khăn vướng mắc, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp giải pháp đổi mới cải cách thủ tục hành chính.
Trong đó đề xuất Chính phủ cần rà soát, sửa đổi các quy định thủ tục hành chính tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành để bổ sung thêm quy định phù hợp với việc chuyển từ phương thức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính truyền thống, giấy tờ, trực tiếp sang trực tuyến, số hóa, sử dụng dữ liệu; thống nhất cơ sở dữ liệu chuyên ngành; việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ số hóa của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa kịp thời; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp,…
Đối với tỉnh Nghệ An luôn xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác CCHC, và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các ngành, các cấp tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trước và đúng hạn đạt tỷ lệ cao 97,61% (cấp tỉnh đạt tỷ lệ 97,07%; cấp huyện đạt tỷ lệ 96.97%; Cấp xã đạt tỷ lệ 98,8%).
9 tháng đầu năm 2023, đã tiếp nhận, xử lý 87 phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính đảm bảo kịp thời, đúng quy định; thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất việc tiếp nhận, giải quyết TTHC khi cần thiết, nhất là các TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư chậm xử lý để kịp thời tháo gỡ và xử lý nghiêm túc vi phạm.
Đổi mới giải quyết TTHC theo hướng minh bạch
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá: Bên cạnh kết quả đạt được thì triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương vẫn còn tồn tại, hạn chế.
Đó là, thể chế quy định chưa kịp thời bổ sung, chưa là hành lang pháp lý; chưa đồng bộ kết nối liên thông với các bộ, ngành; công tác phối hợp giữa bộ, ngành, địa phương chưa tốt; chưa minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; sự tham gia của doanh nghiệp của người dân còn hạn chế.
Triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, từng cấp, từng ngành cần xem việc đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan, đơn vị, địa phương; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát quy trình cũ, cắt bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, hiệu quả, ban hành quy trình mới theo hướng minh bạch, hiệu quả. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; thực hiện đồng bộ về hệ thống kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu với nhau.
Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động báo cáo với tổ công tác những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện; quan tâm con người thực hiện giải quyết thủ tục hành chính phải có năng lực, đạo đức, trách nhiệm. Đi cùng với đó là kết hợp với việc tăng cường kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện” – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần thúc đẩy triển khai Đề án 06; lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; phân công nhiệm vụ, thời gian giải quyết cụ thể cho bộ, ngành địa phương. Đồng thời kết quả của việc đổi mới giải quyết thủ tục hành chính cũng sẽ được đưa vào nội dung kiểm điểm đánh giá xếp loại cuối năm của bộ, ngành, địa phương từ năm 2023.