
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh chủ trì Hội nghị.
Tham dự có các đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại diện Thường trực HĐND; các báo cáo viên, cộng tác viên, cán bộ một số Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND; đại diện các đơn vị, cơ quan của 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Quảng Bình đến Cà Mau.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Ban Công tác đại biểu đã tổ chức 4 Hội nghị bồi dưỡng cho đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tại Hà Nội (2 hội nghị), Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang với hơn 440 đại biểu tham dự, trong đó 270 ĐBQH, và hơn 170 đại biểu tham dự Hội nghị tại Cần Thơ lần này.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh Ban Công tác đại biểu đã chủ động chuẩn bị nội dung, mời các báo cáo viên có chuyên môn sâu, dày dạn kinh nghiệm sẵn sàng trao đổi, đáp ứng yêu cầu của các đại biểu.
ĐBQH và đại biểu HĐND là hạt nhân trong hoạt động của Quốc hội, HĐND, có đóng góp rất quan trọng đối với chất lượng hoạt động, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, mỗi ĐBQH, đại biểu HĐND phải có sự nỗ lực, cố gắng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, sở trường, có được trong môi trường công tác của mình, đồng thời với việc bồi dưỡng, trao đổi, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng phục vụ cho công tác là hết sức cần thiết, phải thực hiện thường xuyên, nhất là hoạt động giám sát - một trong những chức năng chính của Quốc hội và HĐND các cấp.
Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát cũng chính là để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND. Đây là vấn đề luôn được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và HĐND các địa phương quan tâm. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20.11.2015. Qua 6 năm thực hiện Luật, hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND đã có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở, góp phần đưa luật pháp, các nghị quyết của Quốc hội, HĐND đi vào thực tiễn cuộc sống.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ, hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND thời gian qua còn hạn chế, bất cập. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đặt ra những nhiệm vụ cho Quốc hội, HĐND các cấp phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo để thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát nói riêng và chức năng của cơ quan dân cử nói chung, hoàn thành nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Thông tin về hoạt động của Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, trong thời gian vừa qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đang tiếp tục nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm mọi quyết sách đều vì quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, thông qua việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất; phiên họp chuyên đề…
Trong công tác lập pháp, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19 và định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó nêu rõ 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần được thực hiện. Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có nội dung xây dựng và triển khai đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội được tiến hành đồng thời trên cả 3 lĩnh vực là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia.
Về đổi mới tại kỳ họp Quốc hội, công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo và được Quốc hội đồng ý thử nghiệm và đã thực hiện thành công việc họp trực tuyến bao gồm cả việc chia tổ thảo luận. Ngay sau ngày thảo luận tại tổ, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã phối hợp báo cáo giải trình sơ bộ. Nhờ vậy, hoạt động thảo luận tại hội trường chỉ còn tập trung vào các nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau, qua đó góp phần rút ngắn được thời gian họp.
Một nội dung cải tiến khác là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình và Quốc hội đã đồng ý cho áp dụng hệ thống biểu quyết trực tuyến bằng hệ thống điện tử được cài đặt trên Ipad của đại biểu. Công tác dân nguyện trước đây chỉ báo cáo tại kỳ họp của Quốc hội mỗi năm hai lần, nhưng hiện nay đã được báo cáo hàng tháng tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan khối nội chính, tạo ra sự chuyển biến rất tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong công tác giám sát, Quốc hội vừa tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Huy động cả 63 HĐND và 63 đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia các đoàn giám sát. Công tác giám sát không chỉ tập trung vào khâu thực thi pháp luật mà còn tập trung cả vào việc ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật.
Trong năm 2022, cùng với việc giám sát kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành 4 giám sát chuyên đề gồm: 2 giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác quy hoạch; 2 giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nhiều Nghị quyết về hoạt động giám sát như: Hướng dẫn việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội; Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ và đại biểu HĐND.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong rằng, sau hội nghị này, với những kiến thức, kỹ năng thu nhận được, các đại biểu sẽ có những đổi mới, quyết tâm hơn, nhận thức rõ hơn và chuyển hóa thành những hành động cụ thể đối với hoạt động giám sát. Theo đó, hỗ trợ các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử lựa chọn vấn đề, nội dung giám sát thiết thực, hiệu quả. Thông qua giám sát để đánh giá đúng hiệu quả hoạt động và xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong thực thi công vụ. Đổi mới hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội, phiên họp của Thường trực HĐND. Kịp thời phát hiện, kiến nghị, đề xuất những quy định của luật không phù hợp để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.
Hội nghị lần này được chia thành 2 lớp: một lớp dành cho các đại biểu Quốc hội và đại biểu Thường trực HĐND; và một lớp dành cho đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc.
Trong 3 ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu sẽ nghe các chuyên đề như: Tổng quan về kỹ năng giám sát của đại biểu dân cử; Kỹ năng phân tích thông tin phục vụ hoạt động giám sát; Kỹ năng phân tích thông tin phục vụ hoạt động giám sát (dành cho các cơ quan tham mưu); Kỹ năng chất vấn của các đại biểu dân cử và Kỹ năng giám sát chuyên đề của đại biểu dân cử... Sau mỗi chuyên đề, các đại biểu sẽ tham gia làm bài tập thực hành và chia nhóm thảo luận tại hội trường.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đến dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Đền thờ vua Hùng tại phường Bình Thủy, TP. Cần Thơ.

