Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh dự Toạ đàm.
Cùng dự có: Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Nguyễn Thị Thúy Ngần; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các chuyên gia nguyên là đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Tọa đàm
Đổi mới hoạt động là nhu cầu tất yếu, thường xuyên của Quốc hội
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, qua 76 năm hình thành và phát triển, Quốc hội các khóa đã không ngừng kế thừa và phát huy những thành quả, kinh nghiệm của Quốc hội khóa trước, chủ động sáng tạo, đổi mới cả về tổ chức và phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, nhanh chóng tiệm cận với xu hướng phát triển của nghị viện thế giới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, nhu cầu cải tiến, đổi mới hoạt động là tất yếu, thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình hoạt động của Quốc hội. Đó cũng chính là mong muốn, kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về một Quốc hội chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, hoạt động vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và cử tri, Nhân dân.
Nhấn mạnh sự cần thiết, ý nghĩa, quan điểm, phạm vi nghiên cứu của Đề án, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ, lãnh đạo Quốc hội thống nhất xác định Đề án này chỉ thực sự đạt được chất lượng, toát lên tinh thần đổi mới, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra khi có sự tham gia đầy đủ, toàn diện của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và ĐBQH các khóa; đặc biệt không thể thiếu những đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo, những đồng chí đã có nhiều năm gắn bó trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của Quốc hội. Lãnh đạo Quốc hội cũng thống nhất, chỉ những vấn đề đã chín, đã rõ mới kiến nghị để sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp và một số văn bản có liên quan; đề xuất thí điểm một số nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sau thời gian thực hiện, sẽ tổng kết để sửa đổi các quy định liên quan.
Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về 6 vấn đề trọng tâm của Đề án gồm:
Thứ nhất, đối với Kỳ họp bất thường, thông qua những kết quả rõ nét đạt được từ Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu về lý luận và thực tiễn; tiêu chí về nội dung, điều kiện tổ chức, quy trình, thủ tục… Hiện có hai loại ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, tại Kỳ họp bất thường, Quốc hội chỉ xem xét, quyết định đối với những nội dung thực sự cấp bách, đã rõ, đã chín, các quyết sách sau khi được ban hành phải cụ thể, rõ ràng và thực hiện ngay, không cần phải chờ văn bản quy định chi tiết. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, hiện quy định của Hiến pháp, pháp luật không quy định Kỳ họp bất thường chỉ xem xét những vấn đề cấp bách, do đó chỉ cần có đề nghị, yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm xem xét để triệu tập kỳ họp. "Như vậy, theo ý kiến thứ hai, hoạt động của Quốc hội sẽ thường xuyên hơn, kịp thời hơn trong việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn và góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả hơn theo định hướng của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho thí điểm tổ chức kỳ họp bất thường với phạm vi nội dung như nêu ở trên với thời gian là 3 năm", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.
Thứ hai, về đổi mới, cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp thường lệ. Dự thảo Đề án đã mạnh dạn đề xuất tiếp tục chia kỳ họp thành 2 đợt hoặc nhiều đợt để Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan có liên quan có nhiều thời gian hơn cho công tác tiếp thu, chỉnh lý, giải trình. Ngoài ra, nhiều nội dung chưa kịp hoàn thiện vào giai đoạn khai mạc kỳ họp thì có thể sắp xếp vào đợt sau (ví dụ: kỳ họp đầu năm có thể chia làm 3 đợt, mỗi đợt tiến hành trong 1 tuần đến 10 ngày của 3 tháng 5, 6, 7).
Thứ ba, ở giai đoạn chuẩn bị còn thiếu một số quy định về thời hạn gửi tài liệu đến cơ quan thẩm tra. Liên quan đến nội dung này, có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị, bổ sung quy định về thời hạn gửi hồ sơ thẩm tra là 30 ngày trước ngày khai mạc phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với tất cả các nội dung trừ các loại văn bản đã được quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Đầu tư công. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần quy định chậm nhất 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp hồ sơ phải gửi đến cơ quan thẩm tra để bảo đảm có đủ thời gian tiến hành các bước: thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý, gửi đại biểu Quốc hội (áp dụng tương tự dự án quan trọng quốc gia theo Luật Đầu tư công).
Thứ tư, về tăng cường vai trò của Chủ tọa, người điều hành kỳ họp. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị, “Chủ tọa, người điều hành kỳ họp chỉ được điều hành theo đúng thứ tự đăng ký phát biểu, tranh luận”. Loại ý kiến thứ hai đề nghị bổ sung quy định: “Khi cần thiết, chủ tọa, người điều hành kỳ họp có quyền quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình; được quyền yêu cầu ĐBQH dừng tranh luận, phát biểu nếu tranh luận, phát biểu không đúng nội dung hoặc quá thời gian”. Nếu vẫn giữ quy định thời gian phát biểu của ĐBQH là 7 phút, trường hợp có nhiều ĐBQH đăng ký thảo luận thì Chủ tọa, người điều hành kỳ họp có quyền linh hoạt điều hành giảm thời gian phát biểu của đại biểu để tạo điều kiện cho nhiều đại biểu tham gia phát biểu.
Thứ năm, về trách nhiệm trình, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các dự thảo nghị quyết về nhân sự, cơ cấu tổ chức của Chính phủ, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị, cần quy định trách nhiệm trình, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các dự thảo nghị quyết là của cơ quan có thẩm quyền trình về cơ cấu tổ chức và nhân sự (ví dụ: Chủ tịch nước trình dự thảo Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ và tiếp thu, chỉnh lý, giải trình về dự thảo Nghị quyết). Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định trách nhiệm trình và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ do Chính phủ trình, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ là của Thủ tướng Chính phủ. Đối với dự thảo nghị quyết về nhân sự, quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình, tiếp thu, chỉnh lý để phù hợp với thực tiễn hiện nay đang giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo dự thảo, trình Quốc hội và tiếp thu, chỉnh lý.
Toàn cảnh tọa đàm
Thứ sáu, về thí điểm thực hiện giải trình ý kiến ở Tổ trước phiên thảo luận tại Hội trường. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, trách nhiệm giải trình phải là của cơ quan trình (ví dụ Chính phủ). Loại ý kiến thứ hai cho rằng, thời gian từ thảo luận Tổ đến Hội trường là rất ngắn, Chính phủ sẽ không kịp thực hiện các quy trình, thủ tục để có báo cáo giải trình với tư cách là cơ quan trình. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo (các Bộ) phối hợp với cơ quan thẩm tra để giải trình ý kiến nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, làm rõ nhiều vấn đề, giúp ĐBQH hiểu rõ hơn về các vấn đề, nhất là các chính sách trong dự án, dự thảo. Do đó, kiến nghị cho thí điểm nội dung này cũng là điểm đổi mới.
Đổi mới phải đồng bộ với yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
Qua ý kiến của các đại biểu tại Toạ đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nhiều ý kiến rất sâu sắc, tâm huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, có tính chất gợi mở xác đáng góp phần hoàn thiện Đề án.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, về cơ bản, đa số ý kiến ghi nhận, đánh giá cao đối với sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nội dung nghiên cứu bước đầu có chất lượng của dự thảo Đề án; tán thành sự cần thiết, cơ sở xây dựng, mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung, bố cục 5 phần mạch lạc, rõ ràng, nhiều đề xuất đổi mới hợp lý, xác đáng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chia sẻ, mặc dù thời gian chuẩn bị xây dựng Đề án không nhiều, lại trùng với thời gian chuẩn bị, tham mưu Quốc hội tổ chức 3 Kỳ họp và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, đặc biệt là việc chú trọng kế thừa kết quả tổng kết quý báu công tác nhiệm kỳ Quốc hội các khóa gần đây (Khóa XII, XIII, XIV…), quá trình tổng kết thi hành các luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội… là cơ sở rất quan trọng để xây dựng Đề án.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, những thử nghiệm và kết quả đạt được, đã là minh chứng sinh động, sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn để mạnh dạn đề xuất trong Đề án này.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận 6 nội dung còn có ý kiến khác nhau, trên cơ sở thảo luận, phân tích, đánh giá sâu về thực trạng, yếu tố tác động đến kỳ họp, những vấn đề mới, thực tiễn đặt ra, những thuận lợi và hạn chế; nguyên nhân chủ quan, khách quan. Một số ý kiến kỳ vọng nhiều hơn sự đổi mới kỳ họp Quốc hội đáp ứng các yêu cầu của hội nhập khu vực và quốc tế, sự đổi mới đó phải gắn chặt chẽ, đồng bộ với yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền; vừa kế thừa những điểm phù hợp, song đồng thời phải khắc phục căn bản những điểm tồn tại và tinh thần đổi mới phải là yếu tố chủ đạo.
Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy Kỳ họp Quốc hội năm 2015 (gồm 19 nội dung); Thí điểm một số nội dung (gồm 5 nội dung); Nghiên cứu, sửa đổi một số Luật và nghị quyết như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND… Bên cạnh đó, có khá nhiều ý kiến đề xuất bổ sung các giải pháp căn cơ, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu Ban Chỉ đạo, tổ biên tập xây dựng Đề án ngay sau Toạ đàm cần khẩn trương tổng hợp các ý kiến của đại biểu, có Báo cáo giải trình, tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện Đề án và thực hiện các thủ tục tiếp theo để báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba (tháng 5.2022).