
Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Đánh giá bước đầu cho thấy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện theo quy định với tổng số 4 văn bản (1 nghị định, 3 thông tư). Nhiều văn bản chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo cũng đã được Bộ ban hành. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch Covid – 19, Bộ đã thiết lập 6 số điện thoại đường dây nóng trực 24/7 tại Thanh tra Bộ (bình thường duy trì 2 số điện thoại giải đáp chế độ, chính sách, tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo).
Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo, giải trình làm rõ thêm các nội dung được Đoàn giám sát yêu cầu trên cơ sở xem xét báo cáo của Bộ trước đó, như: bổ sung số vụ việc được hướng dẫn, giải thích trực tiếp; số vụ việc được hướng dẫn giải thích bằng văn bản; số vụ việc được thụ lý theo thẩm quyền; số vụ việc được chuyển, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền giải quyết; vụ việc đã được giải quyết; vụ việc đang giải quyết, vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng công dân tiếp tục có khiếu nại và vụ việc ra văn bản chấm dứt thụ lý. Về giải quyết đơn liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Cục Quản lý lao động ngoài nước, dại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đã giải quyết 2.588/2.588 đơn khiếu nại, 1 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 100%.

Qua xem xét Báo cáo và giải trình, làm rõ thêm của lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá Bộ đã phản ánh được tình hình, kết quả thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại đơn vị, chỉ ra được những tồn tại, hạn chế và đề xuất được giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm trong công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ cần bổ sung thêm số liệu về tiếp công dân đột xuất; kết quả của việc tiếp công dân, tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo qua đường dây nóng; đánh giá thêm bài học kinh nghiệm từ việc Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trực tiếp tiếp công dân (nhất là số lượt tiếp công dân của Bộ trưởng khá cao so với các Bộ, ngành khác).
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, thiết lập đường dây nóng, sửa đổi kịp thời các thông tư và nhiều công văn để chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Lưu ý Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là bộ quản lý đa ngành, liên quan đến nhiều lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ tịch Quốc Trần Quang Phương cũng đề nghị Bộ cần tiếp tục rà soát, chuẩn hóa số liệu làm cơ sở để đánh giá chính xác hơn việc những ưu điểm, hạn chế trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021. Đánh giá sâu sắc công tác tiếp công dân định kỳ, số liệu tiếp công dân đột xuất, tiếp chuyên đề và đối thoại với dân; làm rõ hơn nữa tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến người có công, lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Tin và ảnh: Hoàng Ngọc