pho-chu-tich-hdnd-tinh-nguyen-nhu-khoi-nhan-manh-4-nhom-nhiem-vu-dong-hanh-cua-hdnd-cac-cap-de-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-tinh--n1.jpg
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận tại hội nghị

Làm rõ 6 vấn đề đã được HĐND tỉnh và huyện làm tốt

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện cụm 2, lần thứ 3, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, yêu cầu đề ra.

Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao việc chuẩn bị, tham gia hoạt động của HĐND cấp huyện thuộc cụm 2 và của các Ban HĐND tỉnh; các tham luận được chuẩn bị gửi đến Hội nghị cũng như trình bày tại Hội nghị có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo, đề cập đến hầu hết các nội dung hoạt động của HĐND tỉnh, HĐND cấp huyện.

Thông qua các tham luận cho thấy rõ những kết quả làm được gần nửa nhiệm kỳ 2021 – 2026 và 6 tháng đầu năm 2023; những kinh nghiệm từ thực tế và những vấn đề đặt ra, kể cả những vấn đề kiến nghị, đề xuất cụ thể.

Thứ nhất, HĐND tỉnh và cấp huyện đã nâng cao hiệu quả, chất lượng thẩm tra các dự thảo nghị quyết, các báo cáo được trình tại các kỳ họp; từ chủ động nghiên cứu, tham mưu thẩm tra “từ sớm, từ xa” khi có danh mục ban hành nghị quyết HĐND các cấp, khi có dự thảo nghị quyết, thông qua đi khảo sát, nắm bắt thực tế và nghiên cứu các căn cứ quy định của pháp luật; vì vậy chất lượng thẩm tra và ban hành nghị quyết của HĐND có hiệu quả khá tốt.

Thứ hai, HĐND tỉnh và các huyện cũng đã quan tâm chọn vấn đề giám sát, chất vấn phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 594 /NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Bao gồm những vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm; những vấn đề liên quan đến ách yếu trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như các địa phương; có những vấn đề cần tập trung để tháo gỡ. Theo dõi hoạt động của HĐND tỉnh qua gần nửa nhiệm kỳ hoạt động, các vấn đề đưa ra chất vấn, giám sát, sau đó đều tạo ảnh hưởng tích cực; Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã có những chỉ thị, kế hoạch để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị của HĐND tỉnh.

Trong giám sát, chất vấn; HĐND tỉnh và HĐND cấp huyện cũng đã có nhiều biện pháp, giải pháp “đeo bám đến cùng” các vấn đề để thúc đẩy việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc; chất vấn nội dung của kỳ này thì các đơn vị đều có báo cáo thực hiện kết luận chất vấn nội dung của kỳ trước; giám sát kỳ này thì có báo cáo việc thực hiện các nội dung giám sát kỳ trước.

Thứ ba, HĐND tỉnh và các huyện đã tập trung giải quyết các kiến nghị của cử tri; thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử đối với cử tri. Riêng HĐND tỉnh, các kiến nghị của cử tri được ghi họ và tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) và khi trả lời, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu Phòng Dân nguyện- Thông tin (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh) trả lời trực tiếp đến cử tri, tránh theo quy trình “vòng vèo”: các sở, ngành chuyển kết quả trả lời đến UBND tỉnh, UBND tỉnh chuyển HĐND tỉnh và HĐND tỉnh chuyển đến các đơn vị cấp huyện, cấp huyện chuyển kết quả trả lời xuống xã và được niêm yết trụ sở xã, trong khi đó cử tri cũng ít khi đến xã.

pho-chu-tich-hdnd-tinh-nguyen-nhu-khoi-nhan-manh-4-nhom-nhiem-vu-dong-hanh-cua-hdnd-cac-cap-de-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-tinh--n2.jpg
Toàn cảnh hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động với Thường trực HĐND cấp huyện cụm 2 (lần 3), nhiệm kỳ 2021 – 2026

Đồng chí Nguyễn Như Khôi nhấn mạnh: “Giải quyết tốt kiến nghị của cử tri thì HĐND các cấp mới hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời khắc phục tình trạng một nội dung được cử tri kiến nghị đi, kiến nghị lại nhiều lần”.

Từ kinh nghiệm của HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị HĐND cấp huyện, đối với các kiến nghị của cử tri cần rõ về họ và tên, địa chỉ và số điện thoại (nếu có); đồng thời quan tâm phân loại ý kiến, ý kiến nào thuộc thẩm quyền của tỉnh thì chuyển về tỉnh, thẩm quyền của huyện thì huyện xử lý, thẩm quyền xã thì xã xử lý.

Thứ tư, việc thực hiện chuyển đổi số từ hoạt động của HĐND tỉnh đã lan toả và hưởng ứng tích cực của nhiều HĐND cấp huyện, trọng tâm tổ chức “kỳ họp không giấy”; số hoá văn bản, tài liệu. Tuy nhiên cần tiếp tục một bước tiếp theo là tích hợp dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa HĐND tỉnh với HĐND cấp huyện; giữa HĐND với UBND để khai thác, theo dõi quá trình hoạt động của HĐND.

Thứ năm, mối quan hệ phối hợp giữa HĐND với các cơ quan cùng cấp; phối hợp giữa HĐND tỉnh với HĐND cấp huyện; quan điểm của HĐND tỉnh là đồng hành, nỗ lực, trách nhiệm với HĐND cấp huyện, cơ sở nhằm cùng giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội đặt ra.

Thứ sáu, một việc mà HĐND tỉnh đã làm được, đó là xây dựng được cơ chế đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh và gửi kết quả đánh giá đến từng đại biểu về việc tham gia của đại biểu tại phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, chất vấn tại kỳ họp và trước đó có gửi ý kiến chất vấn hay không; về hoạt động tiếp xúc cử tri… Đây là cơ sở để đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh cuối năm; cách làm này HĐND cấp huyện cũng cần duy trì nhằm thực hiện tốt vai trò của người đại biểu.

4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Cùng với các ý kiến kiến nghị tại Hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi cũng cho rằng: Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023 của tỉnh và các địa phương đang còn nhiều “gánh nặng”, khó khăn, đòi hỏi cần phải nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị. Như thu ngân sách 6 tháng chưa đạt kế hoạch đề ra và cả năm khó đạt; các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp, dịch vụ bị thu hẹp; số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động khá lớn; tỷ lệ giải ngân đầu tư công dù cao hơn bình quân chung cả nước, song vẫn còn thấp, tiến độ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 19,18%...

Đồng chí Nguyễn Như Khôi nhấn mạnh: Rất nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi HĐND tỉnh và cấp huyện nỗ lực, đồng hành với cấp uỷ, chính quyền thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cuối năm.

Một là, tinh thần chung là HĐND các cấp cần phải bám sát chương trình công tác năm 2023 để tiếp tục chủ động, đồng hành cùng các cấp, các ngành triển khai giải pháp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và chung của tỉnh. Trong đó, HĐND tỉnh và cấp huyện sẵn sàng tổ chức các kỳ họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề cấp thiết của chính quyền, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Hai là, tiếp tục hoạt động giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Quốc hội, HĐND tỉnh và các cấp ban hành. Đây là trách nhiệm quan trọng của HĐND tỉnh và cấp huyện trong việc ban hành nghị quyết và giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong việc thực hiện các chương trình công tác; thực hiện chuyển đổi số; nâng cao vai trò, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của cơ quan dân cử và của đại biểu HĐND trong thực hiện các lời hứa, trong tiếp xúc cử tri, giải quyết kiến nghị của cử tri.

Bốn là, chủ động nghiên cứu, đưa ra giải pháp với các chương trình hành động phù hợp để thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Liên quan đến những vấn đề trao đổi và kiến nghị tại Hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi khẳng định: HĐND tỉnh sẽ tổng hợp và sau Hội nghị, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh sẽ ban hành thông báo kết luận Hội nghị để những việc thống nhất làm được, những kinh nghiệm được rút ra cần được chia sẻ sâu rộng đến HĐND các cấp trong tỉnh nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động.

Thường trực HĐND tỉnh cũng sẽ có văn bản giao, thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh hay các Ban HĐND tỉnh, để nỗ lực giải quyết, đảm bảo Hội nghị tiếp theo không phải kiến nghị những nội dung đã kiến nghị, hiện thực hoá quan điểm, tư tưởng của Thường trực HĐND tỉnh đề ra: hoạt động năm sau tốt hơn năm trước, kỳ họp sau tốt hơn kỳ họp trước, kỳ giao ban trao đổi kinh nghiệm sau tốt hơn kỳ trước, nhằm tiếp tục nâng cao vai trò cơ quan dân cử, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của từng địa phương và của tỉnh phát triển./.