Toàn cảnh Phiên họp

Đồng chủ trì Phiên họp có Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình - Trưởng Ban soạn thảo; thành viên Ban soạn thảo; đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, việc xây dựng Nghị quyết về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Dân nguyện là cơ quan chủ trì soạn thảo.

Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết cần kế thừa các nội dung đã được thực hiện ổn định, các vấn đề đã chín, đã rõ; xây dựng dự thảo nghị quyết trên cơ sở hợp nhất các nghị quyết: Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10 về việc đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân; Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12 về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tinh thần xây dựng dự thảo nghị quyết này không chỉ là quy định chi tiết, mà còn bao hàm cả hướng dẫn để tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện; đề nghị đại biểu cho ý kiến vào các nội dung lớn của dự thảo nghị quyết; về tên gọi; về việc viện dẫn căn cứ ban hành Nghị quyết bao gồm Luật Khiếu nại, tố cáo; xác định rõ dự thảo nghị quyết là quy định chi tiết hay hướng dẫn; rà soát tránh sự trùng lặp giữa đơn kiến nghị, đơn phản ánh với ý kiến, kiến nghị của cử tri…

Trình bày Báo cáo về kết quả tiếp thu, chỉnh lý và xin ý kiến Ban soạn thảo về một số nội dung của dự thảo Nghị quyết, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cho biết, sau Phiên họp thứ Nhất, Thường trực Ban Soạn thảo đã xây dựng Dự thảo 1, Dự thảo 2 để xin ý kiến Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, thành viên Ban soạn thảo và ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố theo quy định.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà trình bày báo cáo

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, Thường trực Ban soạn thảo đã chỉ đạo Tổ biên tập xây dựng, hoàn thiện Dự thảo 3 Nghị quyết và xin ý kiến Ban soạn thảo tại Phiên họp thứ Hai liên quan đến: tên gọi của Nghị quyết; về việc viện dẫn căn cứ ban hành Nghị quyết bao gồm Luật Khiếu nại, tố cáo; về phạm vi xử lý đơn của Ban Dân nguyện.

Tại Phiên họp, đa số các ý kiến thống nhất với sự cần thiết xây dựng nghị quyết, đồng thời khẳng định đây là nội dụng quan trọng đối với các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, bởi số lượng đơn thư gửi đến rất lớn. Do vậy cần sớm sửa đổi văn bản liên quan, đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh đang sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Các ý kiến cũng thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo nghị quyết và cho rằng, hồ sơ dự thảo nghị quyết vẫn cần được thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở tổng kết văn bản hiện hành.

Đại biểu cho rằng, phạm vi xử lý đơn là vấn đề quan trọng nhất của nghị quyết - bởi đơn thư gửi đến các cơ quan của Quốc hội lớn, trong đó có nhiều đơn thư có cùng một nội dung, được gửi đến tất cả các cơ quan của Quốc hội. Do vậy, quy định trong dự thảo nghị quyết cần giải quyết được những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo quy định hiện hành tại Nghị quyết số 694 được ban hành năm 2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đơn của công dân gửi đến các cơ quan được xử lý theo phạm vi lĩnh vực phụ trách của cơ quan. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 1156 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành năm 2016 quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện, đã quy định Ban Dân nguyện có trách nhiệm: “Tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban Dân nguyện để nghiên cứu; khi cần thiết, chuyển đơn, thư đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân”.

Về nội dung này, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo nghị quyết, tuy nhiên có ý kiến đề nghị quy định phạm vi xử lý đơn của Ban Dân nguyện theo đúng Nghị quyết 694 hiện hành; có ý kiến đề nghị Ban Dân nguyện có trách nhiệm xử lý đơn công dân gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội….

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận Phiên họp

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao các ý kiến phát biểu với tinh thần trách nhiệm cao, các ý kiến góp ý có cơ sở khoa học và thực tiễn, đề nghị Ban Soan thảo tiếp thu, hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhấn mạnh nghị quyết vừa có giá trị văn bản quy phạm vừa là văn bản hướng dẫn thực hiện, do đó cần kế thừa, phát triển, sửa đổi, bổ sung 3 nghị quyết: Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10; Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12; Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13.

Ban Soạn thảo cần hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết, gồm các báo cáo: tổng kết, tờ trình nêu bật chính sách mới; đánh giá tác động chính sách mới; báo cáo rà soát tính thống nhất của nghị quyết với hệ thống pháp luật hiện hành; hệ thống phụ lục mẫu biểu, các bảng so sánh và tài liệu tham khảo; báo cáo tổng hợp ý kiến của 120 cơ quan, đơn vị; báo cáo dự kiến tiếp thu giải trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến tên gọi nghị quyết, phạm vi điều chỉnh, bố cục nghị quyết. Trong đó, cần tuân thủ nguyên tắc cụ thể hóa các quy định của luật, không nêu lại những nội dung đã được quy định trong luật, mà cần cụ thể hóa để tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện…

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp thứ Hai Ban soạn thảo Nghị quyết về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử 

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì Phiên họp

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đồng chủ trì Phiên họp

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà trình bày Báo cáo kết quả tiếp thu, chỉnh lý và xin ý kiến của Ban soạn thảo về một số nội dung của dự thảo nghị quyết

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành phát biểu.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu.

Phó trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Phạm Thế Sự phát biểu. 

Phó Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Trần Đình Toàn phát biểu.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Lan Hương - Nghĩa Đức