Theo ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP Hồ Chí Minh), Nghị quyết số 134 2020/QH14 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII của Quốc hội đã giao Chính phủ có cơ chế thúc đẩy phát triển, quản lý hoạt động thương mại điện tử. Trong Báo cáo số 1235 của Bộ Công thương có nêu một số giải pháp mà Bộ đã thực hiện. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt tiêu dùng và cả thói quen kinh doanh. Theo đó, thương mại điện tử đã trở thành xu thế và có bước phát triển nóng. Điều này cũng kéo theo nhiều hiện tượng lợi dụng thương mại điện tử, kể cả các ứng dụng Zalo, Facebook để kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm sở hữu trí tuệ, thậm chí là các hàng cấm.

20220316152121c79de087-0c24-4887-a4ac-c9b2af60c640.jpg
ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP Hồ Chí Minh) chất vấn Ảnh: Hồ Long

Từ thực tế này, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị, Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ của Bộ Công thương để phát triển lành mạnh, bền vững lĩnh vực thương mại điện tử, đồng thời qua đó bảo vệ người tiêu dùng.

Giải đáp chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ chủ trì cùng với cơ quan, trước hết là thanh tra, kiểm tra và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách điều chỉnh với những cơ chế, chính sách chưa phù hợp hoặc chưa đủ sức răn đe. Bởi lẽ, theo Bộ trưởng, "quy định pháp luật bao giờ cũng có độ trễ so với thực tiễn, nhưng thực tiễn của lĩnh vực thương mại điện tử này thì phong phú, đa dạng, rất phức tạp, mà chúng ta là một quốc gia phát triển khá nóng, cho nên chưa đủ thời gian để rút ra được những bài học, rút ra kinh nghiệm".

Để thực hiện yêu cầu này, Bộ trưởng cho biết, một mặt, Bộ Công thương sẽ triển khai tổng kết thực tế thi hành chính sách, pháp luật, mặt khác sẽ cùng với các bộ, ngành học tập và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia phát triển, những nước có thương mại điện tử phát triển, qua đó để thu thập kinh nghiệm trong quá trình hoạch định chính sách và tổ chức thực thi chính sách liên quan.

202203161523147dcd4d99-cfd6-415a-854c-020e802e5dc4.jpg
Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, phân loại danh sách các website ứng dụng thương mại điện tử, kinh doanh các nhóm hàng để dễ theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý và cũng nâng cao trách nhiệm, ngay cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương - Sở Công thương các địa phương, đã được cấp địa chỉ. Đồng thời, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến trước hết cho người dân, người tiêu dùng phải trở thành những người thông minh, có kiến thức cần thiết để không bị lừa trong quá trình tham gia thương mại điện tử. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng cho thương mại điện tử trong giai đoạn tới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh Hải