Hoạt động thu hút đầu tư tạo nguồn hàng xuất khẩu đạt kết quả khả quan. Nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn với vốn đăng ký cao, tác động mạnh đến nền kinh tế của tỉnh như Dự án Khu Công nghiệp Đô thị Dịch vụ VSIP Nghệ An, Dự án KCN Hemaraj, Dự án Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH True Milk, Dự án sản xuất gỗ ghép thanh và gỗ ván MDF, Dự án Hoa Sen Đông Hồi, Dự án xi măng Sông Lam, Nhà máy chế biến thực phẩm Royal Food, Dự án Luxshare… được cấp phép và đi vào hoạt động, bước đầu tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo nên nguồn hàng công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực như sự chuyển dịch một số cây trồng có diện tích tập trung và phát triển công nghiệp chế biến thủy sản tạo nên nguồn hàng quan trọng phục vụ xuất khẩu. Nhờ vậy, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu hàng thô và sơ chế. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2020 đạt mức cao 83,6% đã thể hiện rõ xu thế công nghiệp hóa của nền kinh tế.

Mặt hàng xuất khẩu phong phú, đa dạng, được phân thành 4 nhóm mặt hàng chính gồm nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo; nhóm khoáng sản và nhiên liệu; nhóm nông lâm thủy sản và nhóm hàng hóa khác. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh (trung bình khoảng 75,6%). Giá trị xuất khẩu của nhóm mặt hàng này tăng từ 430,7 triệu USD năm 2016 lên 1.004,4 triệu USD năm 2020.
Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục được mở rộng sang 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới nhờ khai thác và tận dụng hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Thị trường nói tiếng Trung Quốc vẫn là khu vực thị trường xuất khẩu chủ yếu của tỉnh với kim ngạch chiếm 43,19% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Tổng thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu giai đoạn 2016 – 2020 là 7.103 tỷ đồng và có xu hướng tăng dần qua các năm.
Mặc dù vậy, bên cạnh kết quả đạt được, giai đoạn 2016 – 2020, phát triển xuất khẩu của Nghệ An vẫn chưa thực sự ổn định và bền vững. Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu chưa cao, chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động giá rẻ, chưa có hàng hóa xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao để có thể tham gia vào khâu tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Để phát huy lợi thế của tỉnh, phấn đấu thực hiện vượt mục tiêu xuất khẩu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, tạo bước đột phá trong giai đoạn 2021 – 2025, đưa xuất khẩu tăng trưởng bền vững, thực sự trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 25/02/2022, UBND tỉnh đã ra Quyết định ban hành Đề án Phát triển xuất khẩu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, quan điểm phát triển xuất khẩu là lấy chất lượng tăng trưởng xuất khẩu làm nền tảng, hướng đến các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao góp phần nâng cao thu nhập người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước; phát triển xuất khẩu trên cơ sở vận dụng hiệu quả các cam kết trong FTA, nhất là các FTA thế hệ mới nhằm đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế thách thức; phát triển xuất khẩu bền vững trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế so sánh của tỉnh; hạn chế và đi đến chấm dứt xuất khẩu tài nguyên khoáng sản thô, chưa qua chế biến, nâng cao tính hiệu quả và bền vững trong phát triển xuất khẩu, bảo vệ môi trường sinh thái.

Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 4,0 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2025 đạt 27,2%; tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến từ 83,6% năm 2020 lên 90,4% năm 2025; giảm tỷ trọng hàng khoáng sản và nhiên liệu từ 7,68% năm 2020 xuống 3,92% năm 2025; thu ngân sách từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu giai đoạn 2021 – 2025 đạt từ 7.700 tỷ đồng. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các khu, cụm công nghiệp. Mục tiêu xuất khẩu của nhóm mặt hàng này đến năm 2025 đạt 3,61 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nhóm này gồm có hàng dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, vật liệu xây dựng, linh kiện điện tử, hoa quả chế biến, hạt nhựa, bao bì… Nhóm hàng nông lâm thủy sản có vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Định hướng chung cho các mặt hàng này là khai thác lợi thế để gia tăng sản lượng nông lâm thủy sản; chuyển dịch cơ cấu theo hướng chế biến sâu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, thực hiện nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch, có sức cạnh tranh và vượt qua rào cản của các nước nhập khẩu. Thời gian tới sẽ tiến hành rà soát một số mặt hàng hiện tại chưa có kim ngạch hoặc kim ngạch thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao để có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo ra sự đột phá trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh.
Đề án cũng đề ra các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn 2021 – 2025 bao gồm: tạo nguồn hàng xuất khẩu; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến xuất khẩu; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu; phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất khẩu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Thảo Nguyên