Huyện ủy Quỳ Châu đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/HU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách và xã hội trên địa bàn huyện, đã giúp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng này có bước chuyển biến mạnh mẽ.
Đồng hành nghị quyết
Bà Lô Thị Nga (58 tuổi) cùng 4 hộ đồng bào khác ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu) được Ngân hàng Chính sách và xã hội huyện Quỳ Châu (Ngân hàng huyện) cho vay 370 triệu đồng đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.
Nhờ đồng vốn ưu đãi, các hộ đã mua sắm cồng chiêng, loa đài, đầu tư phòng nghỉ cùng đồ dùng để nâng cấp ngôi nhà sàn thành điểm homestay. Các homestay gắn với bản sắc dân tộc Thái thân thiện, mến khách cùng các điểm bán sản phẩm thổ cẩm, sản vật địa phương… đã hút du khách.
Hoa Tiến trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch cộng đồng, khi thành lập 3 hợp tác xã du lịch cộng đồng và làng nghề dệt thổ cẩm với hàng chục gia đình tham gia.
Mỗi năm, bản đã đón hàng nghìn lượt du khách đến thăm quan và trải nghiệm, đã phần nào phản ánh sự đóng góp của Ngân hàng huyện trong đồng hành với Nghị quyết phát triển du lịch của địa phương.
Bà Lô Thị Nga cho biết: “Nếu không có đồng vốn tín dụng chính sách hỗ trợ “kích cầu” ban đầu thì chúng tôi khó có được cơ ngơi du lịch như hôm nay!”.
Du khách quốc tế đến thăm quan và trải nghiệm tại bản Hoa Tiến ngày một nhiều. Ảnh Đình Phượng
Là địa phương có 80% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Châu Tiến Sầm Văn Túc, riêng năm 2023, thông qua các gói đã cho hơn 900 lượt hộ vay vốn với dư nợ hơn 34 tỷ đồng để sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gắn với phát triển du lịch và làng nghề dệt thổ cẩm cùng giải quyết việc làm, làm nhà ở, nước sạch… đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người mới đạt 28 triệu đồng/năm thì năm 2023 đã đạt 51 triệu đồng/năm, cao hơn bình quân chung của cả huyện…
Bản du lịch cộng đồng Hoa Tiến, Bảo tàng văn hóa các dân tộc, Hang Bua-Đền Chiêng Ngam, Thác Khe Bàn, Thác Đũa, Khu sinh thái Vườn Thỏ... trở thành các điểm đón khách du lịch của Quỳ Châu.
Châu Bình là một xã lớn của huyện Quỳ Châu, nơi có đông đồng bào các dân tộc sinh sống.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Châu Bình Lô Văn Toan cho biết, địa phương được ngân hàng cho vay hơn 90 tỷ đồng từ các gói vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, xã hội trong đó ưu tiên vào phát triển du lịch cộng đồng và trồng rừng cây gỗ lớn.
Đến nay, Châu Bình đã trồng được 3.800ha rừng cây keo-diện tích trồng rừng lớn nhất huyện. Trong số này có 2.200ha đã được cấp chứng chỉ FSC (Chứng chỉ trồng rừng bền vững). Với chu kỳ trồng rừng cây keo gỗ lớn từ tám đến 10 năm cho thu nhập gấp 3-4 lần so trồng rừng cây chu kỳ 5 năm nên bà con ở đây đã đầu tư được hơn 400ha trên kế hoạch 1.000ha rừng gỗ lớn.
Hội Phụ nữ xã Châu Bình là một trong bốn đoàn thể nhận ủy thác vay vốn, hiện có 14 tổ Tiết kiệm và vay vốn với gần 700 thành viên tham gia vay hơn 36 tỷ đồng. Trong đó, nhiều thành viên đã vay vốn để chăm sóc , khi đầu tư 5-10ha rừng gỗ lớn. Cùng với đó, một số hộ đã mạnh dạn vay vốn phát triển rừng cây gỗ lớn gắn với chế biến.
Gia đình chị Hồ Thị Chương ở xóm 34, ban đầu vay vốn giải quyết việc làm 50 triệu đồng mua máy chế biến gỗ. Lấy ngắn nuôi dài, đến nay cơ sở sản xuất của chị đã phát triển thành một xưởng chế biến gỗ lớn, thu hút nhiều lao động, hàng tháng sản xuất hàng trăm m3 gỗ cung cấp cho các cơ sở làm đồ gỗ xuất khẩu.
Quỳ Châu đã phát triển được 23 nghìn ha rừng trồng; trong đó 4.888ha rừng đã, đang chuẩn bị cấp chứng chỉ FSC, 1.560ha rừng gỗ lớn.
Vì thời gian trồng rừng gỗ lớn kéo dài thêm từ 3 đến 5 năm so với trồng rừng bình thường nên Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 34 Hồ Thị Ly cho biết, người trồng rừng mong muốn được kéo dài chu kỳ cho vay vốn trồng rừng gỗ lớn và tăng hạn mức cho vay cao hơn; tăng nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh lớn hơn để có điều kiện thoát nghèo bền vững. Ngân hàng điều hành linh hoạt vốn vay hơn, khi cần là có thể vay vốn được ngay…
Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Quỳ Châu Đặng Hoài Nam cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳ Châu nhiệm kỳ 2020-2025, tập trung hai đột phá phát triển du lịch cộng đồng và trồng rừng cây gỗ lớn. Trên cơ sở đó, ngoài các mục tiêu chung, Ngân hàng đã bám sát các nghị quyết của địa phương, đồng hành đưa vốn tín dụng chính sách đến với đồng bào để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên hai đột phá trên”.
Bước chuyển mạnh mẽ
Thực hiện chủ trương cấp trên, huyện Quỳ Châu đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu ban hành Chỉ thị số 08-CT/HU ngày 4/10/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách và xã hội trên địa bàn Quỳ Châu. Đây được xem là “chìa khóa” giúp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn có bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong thời gian qua.
Cùng với đó, Ngân hàng đã triển khai quyết liệt 5 gắn “5G” về tín dụng cơ sở. Trong đó, gắn với Chương trình hành động của cấp ủy và mục tiêu phát triển kinh tế của huyện, trong đó, tập trung ưu tiên vào hai đột phá về phát triển du lịch cộng đồng và rừng cây gỗ lớn; gắn với 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; gắn với xây dựng các mô hình kinh tế điển hình…
Nhờ nguồn vốn chính sách, bà con Quỳ Châu phát triển vùng nguyên liệu hương bài, phục vụ làng nghề làm hương trầm Quỳ Châu truyền thống. (Ảnh: Đình Phượng) |
Với phương châm “giao dịch tại xã, phục vụ tại nhà”, đến nay, tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã đạt 99%, thu nợ đạt 96,6%, thu lãi đạt 98%, thu tiền gửi tiết kiệm đạt 99,8%, đã tạo thuận lợi cho nhân dân và khách hàng giảm thời gian giao dịch và chi phí đi lại…
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Quỳ Châu Đặng Hoài Nam, đồng vốn chính sách đã đến với đồng bào nghèo kịp thời và ngày càng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của người dân với doanh số cho vay, tỷ lệ dư nợ năm sau cao hơn năm trước.
Hết năm 2023, thông qua 213 tổ tiết kiệm và vay vốn, Ngân hàng đã triển khai thực hiện 18 chương trình tín dụng với tổng dư nợ 524,37 tỷ đồng, tăng so đầu năm là 79,7 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 17,92% với 8,9 nghìn lượt khách hàng còn dư nợ; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,09% tổng dư nợ... Đồng vốn của ngân hàng còn giúp các hộ nghèo, hộ khó khăn ở Thị trấn Tân Lạc và các vùng bị ảnh hưởng lũ lụt khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Theo con số báo cáo, giai đoạn 2021-2023, với doanh số cho vay đạt 344 tỷ đồng đã giúp cho hơn 8.093 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, giúp cho 1.423 hộ nghèo đã thoát nghèo, hơn 4.071 hộ nghèo đã chuyển biến về nhận thức và cách làm ăn; giúp 477 học sinh, viên sinh khó khăn có cơ hội học tập, được vay vốn mua máy vi tính học tập; tạo việc làm cho hơn 400 lao động tại địa phương; xây dựng 1.266 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng, sữa chữa 868 nhà ở cho hộ nghèo. Hiện số vốn cho vay đầu tư tại các bản và các xã nông thôn mới đạt 253,6 tỷ đồng…
Nhờ trồng rừng gỗ lớn đã tạo nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến gỗ ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). |
Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳ Châu Lê Hải Lý cho biết, nguồn vốn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp Quỳ Châu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, ngành nghề truyền thống; phát triển du lịch trên địa bàn; mở rộng sản phẩm OCOP; phát triển rừng cây gỗ lớn... Qua đó, nâng cao đời sống của nhân dân, tăng thu nhập, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; giúp cho 31 bản, 2 xã về đích nông thôn mới; làm thay đổi một cách rõ rệt về tình trạng trông chờ ỷ lại của một số đồng bào; ngăn chặn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen cơ sở...