- Kính thưa đồng chí Nguyễn Như Khôi – UV BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh!
- Kính thưa quý vị đại biểu!
Thực hiện chương trình công tác năm 2023, được sự nhất trí của Thường trực HĐND tỉnh, hôm nay, Ban Dân tộc, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh phối hợp với huyện Con Cuông tổ chức Hội nghị trao đổi về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây là một Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Đề án đổi mới hoạt động của HĐND tỉnh khóa XVIII, Hội nghị là nét mới về cách thức, tổ chức hoạt động của các Ban HĐND, đồng thời là dịp để chúng tôi cùng các đồng chí trao đổi một cách khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; kiến nghị đề xuất những giải pháp đề ra những chủ trương, chính sách góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Nghệ An là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có 5 dân tộc thiểu số chính, gồm Thái, Thổ, Mông, Khơ-mú và Ơ Đu với khoảng 466.137 người (chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh) cư trú ở 11 huyện, thị xã. Mỗi dân tộc có nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục, tập quán khác nhau tạo nên tính đa đạng về văn hoá, góp phần quan trọng làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số, nhiều giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy, tạo nên những sản phẩm du lịch khá hấp dẫn. Một số mô hình phát triển du lịch đã hình thành và hoạt động khá hiệu quả, như mô hình Bảo tàng Thiên nhiên - Văn hóa mở tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Thác Kèm, Thác Sao va, Thác Bảy tầng; các mô hình du lịch cộng đồng, làng nghề và dệt thổ cẩm như: bản Khe Rạn, Bản Nưa, Bản Xiềng (Con Cuông), Bản Na, Bản Đình Sơn, Bản Loọng Dẻ (Kỳ Sơn); bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu),... Việc triển khai công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch khá hiệu quả, góp phần vừa phục hồi, bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của các dân tộc, vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập; qua đó, thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh những kết quả tích cực, trong bối cảnh hiện nay, giá trị văn hoá truyền thống của các DTTS của tỉnh ta cũng đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, bị mai một, đặt ra những thách thức to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị. Có thể nhận diện một số thách thức, biến đổi như: Sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người. Quá trình tiếp biến văn hoá đã làm xuất hiện quan niệm, lối sống và nhiều yếu tố văn hóa lai căng, không lành mạnh trong các DTTS, đặc biệt là ở giới trẻ. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống đã được khai thác gắn với du lịch, dịch vụ đã và đang đem lại nguồn lợi cho một bộ phận người dân nhưn chưa nhiều; nhiều giá trị văn hoá vẫn chưa được khai thác có hiệu quả.
Yêu cầu giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS ngày càng trở nên cấp bách trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế; cùng với việc quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá trong quá trình hội nhập thì vấn đề tạo sự gắn kết chặt chẽ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS với các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi cũng cần được đặt ra.
Kính thưa quý vị đại biểu!
HĐND tỉnh với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Trong thời gian qua, HĐND tỉnh đã luôn chú trọng xây dựng các chính sách quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời tăng cường hoạt động giám sát nhằm đảm bảo các chính sách được thực hiện hiệu quả góp phần thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực, thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
Ngày 9/12/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND, trong đó quy định các chính sách hỗ trợ Nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực văn hóa; tháng 5 vừa qua, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát“việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Miền Tây Nghệ An. Việc tổ chức Hội nghị hôm nay giúp Ban Dân tộc và Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh có thêm thông tin thực tiễn, để đề xuất, kiến nghị Trung ương hoàn thiện thể chế, chính sách, đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị hôm nay có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành và địa phương liên quan, đặc biệt có sự tham gia của các chuyên gia là những người có hiểu biết sâu sắc về văn hóa và công tác bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; tôi mong sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc của các quý vị đại biểu, đóng góp cho thành công của Hội nghị. Đề nghị các tham luận, ý kiến tại Hội nghị tập trung làm rõ các nội dung chính sau đây:
1. Đánh giá rõ thực trạng về văn hóa và công tác bảo tồn văn hóa hiện nay trên địa bàn. Làm rõ các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số hiện nay.
2. Tình hình thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ: những nét được, chưa được.
3. Đánh giá và làm rõ hiệu quả các chính sách của trung ương, của địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa hiện nay. Chính sách nào được, chưa được hay bất cập như thế nào?
4. Đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Cần những chính sách gì để việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn khu vực miền Tây Nghệ An
Với tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc Hội nghị trao đổi về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Thay mặt Ban tổ chức Hội nghị, xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới quý vị đại biểu, các chuyên gia, các nhà quản lý đã gửi bài và tham gia Hội nghị này. Kính chúc các quí vị sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn!