Phân bổ nguồn lực chưa phù hợp với chính sách
Sáng 5/12, các đại biểu HĐND tỉnh thuộc 5 đơn vị bầu cử gồm: Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành, Thái Hòa thảo luận tại Tổ 3.
Phiên thảo luận diễn ra ngay sau phiên khai mạc và nghe các báo cáo trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Dự phiên thảo luận có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Bà Lê Thị Thuê - đại biểu HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND huyện Tân Kỳ làm Tổ trưởng điều hành thảo luận.
Chính sách chậm thực thi
Tại phiên thảo luận có 11 đại biểu (trong đó có 2 đại biểu khách mời) đã nêu ý kiến về nhiều lĩnh vực. Trong đó, nhiều ý kiến nêu bật việc thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh trên địa bàn. Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc bố trí nguồn lực để thực hiện một số chính sách còn chậm.
Đại biểu Lô Thị Kim Ngân - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, Tổ đại biểu Thanh Chương nêu dẫn chứng việc thực hiện một số chính sách trên lĩnh vực văn hóa do HĐND tỉnh ban hành còn chậm thực thi như: Hỗ trợ trang thiết bị hoạt động văn hóa đối với các thôn sau sáp nhập, trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em chậm được bố trí kinh phí.
“Có những nội dung hỗ trợ năm 2023 thì năm 2024 các thôn mới được nhận; có những nội dung hỗ trợ năm 2024 nhưng đến nay mới thực hiện thủ tục phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu”, đại biểu nêu dẫn chứng.
Tương tự việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành năm 2023 về hỗ trợ đầu tư bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh cũng có số lượng đăng ký không đạt mục tiêu như nghị quyết đề ra.
Từ thực tế này, đại biểu cho rằng, cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư trong quá trình đánh giá tác động chính sách chưa dự tính được khó khăn, vướng mắc và hiệu quả trong thực tiễn dẫn đến việc nghị quyết vừa ban hành đã phải đề nghị tham mưu sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay.
Vì vậy, đại biểu Lô Thị Kim Ngân đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, cơ quan tham mưu, chủ trì thực hiện các nghị quyết này có bổ sung nhiệm vụ, giải pháp một cách trọng tâm trọng điểm và biện pháp cụ thể nhằm khắc phục; đồng thời nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của ngành, địa phương, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo việc thực hiện chính sách sau khi ban hành.
Đại biểu Phạm Tuấn Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy Khối CCQ tỉnh, Tổ đại biểu thị xã Thái Hòa đánh giá cao các kết quả kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chiến lược mà tỉnh thực hiện được trong năm 2024 để tạo đà phát triển trong thời gian tới.
Tuy vậy, qua nghiên cứu báo cáo kinh tế - xã hội, đại biểu băn khoăn khi sản phẩm OCOP của tỉnh có số lượng nhiều với 739 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao trở lên đứng thứ 2 toàn quốc, nhưng trong đó chỉ có 37 sản phẩm đạt 4 sao (xấp xỉ 5%); trong khi mức bình quân chung cả nước là 25,8% và chỉ có 1 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao (xấp xỉ 0,4%), còn cả nước tương ứng là 2,1%. Chỉ ra thực trạng, đại biểu Phạm Tuấn Vinh mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có giải pháp hiệu quả hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Vị đại biểu Tổ thị xã Thái Hòa cũng bày tỏ những lo lắng về “sức khỏe” của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi có khoảng 16.000/39.000 doanh nghiệp đăng ký là đang hoạt động; còn 25.000 doanh nghiệp (cả nước khoảng 165.000 doanh nghiệp) dừng hoạt động. Từ đó đại biểu đề nghị làm rõ hơn những khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ.
Đại biểu Phạm Tuấn Vinh cho rằng, thu ngân sách năm nay dự kiến 23.751 tỷ đồng, tuy nhiên như UBND tỉnh nhìn nhận, thu ngân sách còn thiếu bền vững khi có gần 40% thu từ tiền đất.
“Thu tiền đất cao thì chứng tỏ đất bán nhiều”, đại biểu phân tích và chỉ ra điểm bất hợp lý là dù nguồn cung cao nhưng thị trường bất động sản vẫn nóng lên hàng ngày, đặc biệt ở thành phố Vinh.
“Giá nhà chung cư tăng chóng mặt, có những khu lên hơn 30 triệu/m2”, đại biểu Phạm Tuấn Vinh nói và thêm rằng, điều này ảnh hưởng lớn đến thu hút lao động, nhất là lao động chất lượng cao đến làm việc. Do đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí thêm quỹ đất, trong đó có quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản, giúp người lao động, trong đó có lao động trẻ có điều kiện tiếp cận nhà ở.
Đại biểu Phạm Tuấn Vinh cũng đề nghị HĐND tỉnh nghiên cứu có phương án việc thực hiện các nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù cho Cửa Lò và thành phố Vinh khi mà Cửa Lò đã sáp nhập vào Vinh từ ngày 1/12/2024. “Vậy các nghị quyết của HĐND tỉnh về thị xã Cửa Lò có điều chỉnh hay không và nếu thực hiện thì tiếp tục thực hiện như thế nào?”, đại biểu nêu vấn đề.
Cũng tại phiên thảo luận Tổ 3, các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến liên quan đến giải ngân nguồn vốn sự nghiệp của một số chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; xem xét nâng chế độ chính sách cho cán bộ thôn, xóm; rà soát lại các mục tiêu gắn với xây dựng lộ trình phù hợp trong chuyển đổi số ở cấp cơ sở để quá trình chuyển đổi số đảm bảo thực chất, trở thành nhu cầu và do người dân tự thực hiện, không còn tình trạng cán bộ làm thay như một số địa phương hiện nay.
Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu ý kiến như: Tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm; có giải pháp để truyền bá, nhân rộng, lan tỏa dân ca ví, giặm hiệu quả hơn; xử lý cơ sở nhà đất dôi dư sau sắp xếp bộ máy để tránh lãng phí…
Cân đối phù hợp giữa chính sách ban hành và nguồn lực thực hiện
Tham dự thảo luận tại Tổ 3, lãnh đạo UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã trao đổi lại một số nội dung liên quan. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đã phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến giải ngân vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; qua đó cho biết, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các sở, ngành tập trung cao để tháo gỡ, nâng cao tỷ lệ giải ngân.
Đặc biệt liên quan đến ý kiến về chất lượng sản phẩm OCOP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ thừa nhận thực trạng chất lượng chưa cao, đầu ra còn khó khăn mặc dù tỉnh chỉ đạo quảng bá liên tục bằng nhiều giải pháp.
Nhìn nhận thời gian qua sản phẩm OCOP của Nghệ An đang được phát triển theo chiều rộng trước, chiều sâu sau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng để có nhiều sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cũng phân tích cơ cấu nguồn thu và lý giải nguyên nhân thu từ tiền đất còn chiếm khá cao trong thu ngân sách của tỉnh. Nêu một loạt các giải pháp để tăng nguồn thu nội địa của tỉnh mà không tính từ nguồn thu từ đất, đồng chí cho rằng điều quan trọng nhất phải thu hút đầu tư để mở rộng cơ sở nguồn thu.
Nhận định thành công của tỉnh trong những năm vừa qua là rất lớn; tuy vậy, các dự án thu hút vừa qua đang trong quá trình xây dựng hoặc mới đi vào hoạt động cũng trong thời gian được ưu đãi về thuế theo chính sách ưu đãi đầu tư; cho nên Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Số thu ngân sách từ các dự án này bao giờ cũng chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế; tức là có khoảng lùi.
“Chúng ta thu hút đầu tư trong nhiệm kỳ này thì sẽ được cho những nhiệm kỳ tiếp theo”, đồng chí nói. “Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND rất kiên trì để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, giải quyết việc để tăng thu ngân sách”.
Về bố trí ngân sách để thực hiện các cơ chế, chính sách như đại biểu phản ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An đồng tình với đánh giá, nhiều cơ chế, chính sách phân bổ rất chậm. Bắt đầu năm năm 2025, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt để phân bổ đến các đối tượng thụ hưởng ngay từ đầu năm.
Về tổng thể, bước vào nhiệm kỳ 2025 - 2030, căn cứ vào phương hướng nhiệm kỳ mới gắn 3 đột phá chiến lược, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, quan điểm là cần thiết phải rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách; khi ban hành phải có nguồn lực để đảm bảo hiệu quả.
Liên quan đến nội dung trên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình cũng nhận định, khả năng cân đối ngân sách để thực hiện các cơ chế, chính sách còn bất cập. Hiện nay, nhu cầu đưa vào các cơ chế, chính sách gấp 3 lần khả năng cân đối của ngành tài chính. Vì vậy, thời gian tới HĐND tỉnh sẽ phối hợp với UBND tỉnh để rà soát lại các chính sách, mục tiêu là chính sách ban hành phải phù hợp khả năng cân đối với ngân sách tỉnh.