d1801ntm-2625--n1.jpg

Mô hình chuyển đổi số đang được triển khai, nhân rộng trong khắp cả nước, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức tiếp cận ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, trong đó ứng dụng công nghệ tự động hóa để phân tích, theo dõi, giám sát, truy xuất, xử lý dữ liệu… được xem là giải pháp tối ưu hóa chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng cũng như phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Quảng Thọ, huyện Quảng Điền là một trong hai xã được tỉnh Thừa Thiên Huế chọn triển khai xây dựng xã thông minh, mô hình ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, thúc đẩy kinh tế-xã hội. Dựa vào định hướng phát triển cũng như những lợi thế, mức độ sẵn sàng về ứng dụng công nghệ thông tin của địa phương, mô hình xây dựng xã thông minh với các mục tiêu chính: hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Thọ Hoàng Công Phong hồ hởi: Chúng tôi đang đề xuất tỉnh hỗ trợ hệ thống truyền thanh thông minh và lắp đặt năm hệ thống quan trắc (bốn môi trường nước, một không khí) để phục vụ đời sống dân sinh. Ngoài hệ thống quan trắc đang được đề nghị hỗ trợ kinh phí, hiện tại Quảng Thọ có phòng quản lý điều hành thông minh, bảy điểm phát wifi miễn phí ở tám thôn (có hai thôn dùng chung), 14 camera an ninh (trong đó có ba camera thông minh) để giám sát trên các trục chính tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn và các cơ quan, trường học; phối hợp với Viettel Pay làm thẻ thanh toán không dùng tiền mặt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, thôn, hướng đến thanh toán hóa đơn điện, nước, nhận lương, phụ cấp qua tài khoản.

Sau bốn năm (từ 2017 đến 2020) xã Quảng Thọ đã đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin khối xã, thị trấn của huyện Quảng Điền. Ông Nguyễn Thanh Hòa, người dân xã Quảng Thọ vui mừng: "Chúng tôi hưởng lợi nhiều từ mô hình xã thông minh. Vui nhất là có sóng wifi, lướt internet công cộng miễn phí cho nên người dân có thể cập nhật thông tin nhanh chóng, nhất là trong sản xuất, tiêu thụ nông sản".

Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân cũng là bức tranh nông thôn mới thông minh tại tỉnh Hà Nam. Chỉ tính riêng chín tháng năm 2022, tổng nguồn vốn đã huy động để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt gần 1.035 tỷ đồng phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng cho biết, Hà Nam đặt ra mục tiêu xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nông thôn mới thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu, tiến tới rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Thay đổi diện mạo nông thôn mới

Đi từ mô hình đến hệ thống chuyển đổi số chính quyền rồi mới xây dựng nông nghiệp thông minh với các ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đang là lựa chọn của nhiều địa phương trong cả nước. Giám đốc Công ty công nghệ HueCIT Hoàng Bảo Hùng chia sẻ, điểm khác biệt làm nên thành công của địa phương chính là mô hình xã thông minh do Thừa Thiên Huế đề xuất, chứ không theo hình mẫu sẵn có của Cục Tin học hóa-Bộ Thông tin và Truyền thông. Mô hình của tỉnh xây dựng trên nền tảng "xã nông thôn mới kiểu mới".

Đi từ mô hình điểm, sau đó tổng kết và nhân rộng theo phương châm phù hợp điều kiện đặc thù của từng địa phương đã đem đến một diện mạo mới nhiều màu sắc cho bộ mặt nông thôn. Chỉ tính riêng xã thông minh Quảng Thọ, hệ thống giám sát môi trường phục vụ nuôi trồng thủy hải sản, hệ thống du lịch "ảo" (quảng bá du lịch bằng công nghệ thực tế ảo) đã đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân và tăng thu ngân sách xã. Mô hình này đã được mở rộng cho toàn huyện Quảng Điền. Ngoài ra, hệ thống phản ánh hiện trường-lắng nghe đời sống nông thôn với đặc thù riêng của Quảng Thọ cũng góp phần giúp chính quyền nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời xử lý những vấn đề còn nổi cộm trong thôn, xóm…

Mặc dù có sự đồng thuận của chính quyền, người dân trong xây dựng nông thôn mới thông minh, nhưng để có được những mô hình điểm như xã Quảng Thọ, hay huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế), thì với nhiều địa phương vẫn còn những thách thức không nhỏ. Theo lãnh đạo huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, hiện nguồn lực để thực hiện tiêu chí chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử, ở lĩnh vực sản xuất, việc cấp mã vùng cho vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của các xã còn chậm hay lĩnh vực văn hóa yêu cầu phải lắp đặt các dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời ở điểm công cộng… là những chỉ tiêu khó, cần có thêm thời gian, lộ trình để triển khai thực hiện.

Nắm bắt được những khó khăn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao-nông thôn mới thông minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng điều phối nông thôn mới quốc gia đã và đang đẩy nhanh việc ban hành văn bản gửi các địa phương đăng ký mô hình xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử do Trung ương chỉ đạo điểm. Đồng thời, đề xuất phân bổ kinh phí (giai đoạn 2023-2025 và năm 2023) cho các bộ, ngành, địa phương có liên quan để thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.

Đây là những giải pháp trọng tâm và cơ bản của lĩnh vực ngành, bên cạnh những nỗ lực của địa phương trong chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu trọng tâm của ngành nông nghiệp hiện nay là từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất đối với các thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng số hóa, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác. Từ đó tạo động lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.

Theo các chuyên gia kinh tế, để hoàn thành được những mục tiêu nêu trên, các địa phương cần rà soát, ứng dụng các công nghệ số phù hợp quy trình quản lý nhà nước, tạo sự thống nhất trong quản lý, truy xuất nguồn gốc nông sản. Đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể thích ứng và vận hành có hiệu quả những thành tựu của khoa học-công nghệ. Từ đó làm thay đổi diện mạo nông thôn, biến những vùng quê nghèo trở nên trù phú, thân thiện và hiện đại. Tin rằng với những mô hình hay, những kinh nghiệm quý trong chuyển đổi số của xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) và huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), phong trào xây dựng nông thôn mới thông minh toàn quốc sẽ sớm hoàn thành.