Có nhiều đổi mới

Bối cảnh tình hình năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 có một số yếu tố đặc thù, tác động không nhỏ đến công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, 2022.

Chịu nhiều tác động như vậy, song theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trong thời gian qua, nhất là từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới đến nay, công tác xây dựng thể chế được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và có nhiều cố gắng đổi mới.

20220417053854ctqh-hue--n1.jpg

"Chúng ta phải nghiêm túc hơn nữa trong việc thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phải gác cửa chỗ này. Cái gì chưa đủ điều kiện, thủ tục, hồ sơ dứt khoát là chưa báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Một trong những điểm mới quan trọng và nổi bật, đó là lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội cùng các cơ quan, tổ chức đã xây dựng, trình Bộ Chính trị Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Và, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án, ban hành Kết luận 19-KL/TW để các cơ quan, tổ chức chủ động triển khai thực hiện. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng có các phiên họp chuyên đề để cho ý kiến sớm về định hướng xây dựng luật, pháp lệnh. Quốc hội dành thời gian thích đáng thảo luận về các dự án luật, pháp lệnh có chất lượng, có đổi mới, tổ chức kỳ họp bất thường bàn về các luật cấp bách...

Kết quả của những nỗ lực đó thể hiện ở số lượng khá lớn các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, ban hành. Đáng chú ý, như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhiều vấn đề mới, khó đều đã được giải quyết kịp thời, đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Dù nhiều luật, pháp lệnh, nghị quyết được thông qua như vậy, nhưng quá trình thảo luận, xem xét thông qua được tiến hành rất cẩn trọng. Có những dự luật không được thông qua và có những dự luật với những điều luật được thông qua một phần cho thấy sự rất cẩn trọng của các đại biểu Quốc hội và trách nhiệm của Chính phủ cũng như của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, tinh thần "từ sớm, từ xa", "phối hợp chặt chẽ" giữa các cơ quan được thực hiện ngày càng tốt hơn, mang lại hiệu quả thiết thực.

Từ thực tế công tác xây dựng pháp luật thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, kinh nghiệm cứ nội dung nào làm kỹ, tuân thủ quy trình thì chất lượng tốt. Đây là những thành tựu, kinh nghiệm phải tiếp tục phát huy, duy trì, cả với Chính phủ, các cơ quan trình, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan.

"Chúng tôi đề nghị chúng ta phải nghiêm túc hơn nữa trong việc thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phải gác cửa chỗ này, cái gì chưa đủ điều kiện, thủ tục, hồ sơ thì dứt khoát là chưa báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội lưu ý. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Tinh thần không đẩy các khó khăn, vướng mắc sang cho Quốc hội và tránh tình trạng không đùn đẩy các khó khăn từ các Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng Dân tộc lên cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội".

Kiên quyết từ chối

Phát huy kinh nghiệm "làm kỹ lưỡng", "tuân thủ đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật", các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thể hiện rõ quan điểm kiên quyết với những hồ sơ dự án luật đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 chưa bảo đảm đủ điều kiện, chưa làm rõ chính sách; đồng thời từ chối những đề nghị xin lùi thời hạn trình dự án luật mà chưa đưa ra được lý lẽ thuyết phục.

Một trong những ví dụ liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Dù đánh giá rất cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật này, thậm chí "hồ sơ đã có đầy đủ các văn bản kèm theo", song Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội chưa đồng ý bổ sung vào Chương trình năm 2022 như đề xuất của Chính phủ. Đồng thời yêu cầu Chính phủ hoàn thiện thêm một bước hồ sơ đề nghị xây dựng Luật theo hướng tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đưa ra những chính sách khả thi cũng như giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục cho được những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật hiện hành, cũng như để thích ứng với tình hình mới, bảo đảm các văn bản kèm theo hồ sơ dự án Luật có chất lượng tốt nhất khi trình. Hay, với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét kỹ lưỡng 2 lần mới đồng ý bổ sung vào Chương trình.

Quan điểm kiên quyết, trách nhiệm cao trong công tác xây dựng pháp luật còn thể hiện với đề nghị xin rút, xin lùi thời hạn trình so với Chương trình Quốc hội đã thông qua. Cụ thể, tại Phiên họp lần này, Chính phủ đề nghị tiếp tục lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và không đưa ra thời điểm trình cụ thể. Đây là dự án Luật đã được đưa vào Chương trình từ Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV (tháng 5.2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần, và lần điều chỉnh này là lần thứ tư. Lý do Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình là chờ Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII xem xét tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW (về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại), theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật, không phải là "vấn đề mới" và khi Quốc hội xem xét đưa dự án vào Chương trình cũng đã cân nhắc đến. Do đó, các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi một kỳ họp để trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ Tư tới và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp như Quốc hội đã quyết định.

Đề xuất này của Ủy ban Pháp luật nhận được sự đồng tình cao của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bởi thực tế, nếu tiếp tục lùi như đề nghị của Chính phủ sẽ không bảo đảm thực hiện được mục tiêu đề ra khi đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình năm 2022. Trong khi đó, các hoạt động của các cơ quan có liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai hiện hành vẫn đang được tiến hành song song đồng thời. Liên quan đến dự án Luật quan trọng này, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã có cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW. Sau Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng trực tiếp có cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ và các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Với sự chuẩn bị như vậy, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, "quyết tâm lần này không thể nào lùi được".

Chú trọng tính khả thi và chất lượng của các luật, pháp lệnh, nghị quyết do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, với Chương trình lần này, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh "tinh thần cái gì chín, đủ điều kiện, kỹ lưỡng thì chúng ta trình". Và khi đủ điều kiện chúng ta "sẽ cố gắng, nỗ lực cao nhất", nhất là các Ủy ban, "các đồng chí phải vào cuộc sớm cho kỹ lưỡng", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Thanh Hải