NHỚ VỀ NGƯỜI MẸ MƯỜNG LA

Sinh ra tại mảnh đất Đà Sơn, huyện Đô Lương, người chiến sĩ thanh niên xung phong Phạm Ngọc Hòa nay đã bước sang tuổi 88. Ở độ tuổi đó, ông vẫn khiến cho mọi người nể phục vì tinh thần lạc quan và sự minh mẫn hiếm có.

Có lẽ vì vậy mà Ban Tổ chức của Chương trình gặp mặt tôn vinh, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tỉnh Nghệ An đã tin tưởng chọn lựa ông để phát biểu và giao lưu trong chương trình.

Đón nhận sự tin tưởng đó, những ngày này ông đang tìm lại những kỷ vật, những ký ức đã gắn bó với mình trong suốt những tháng năm phục vụ chiến đấu.

Và rồi, cảm xúc của ông như chững lại khi tìm thấy bài thơ viết tặng người mẹ Mường La, bài thơ mà ông đã làm trong nỗi nhớ thiết tha về một người mẹ đặc biệt mà ông đã gặp trong quá trình tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

bna-anh-1-dien-bien-phu-1175.jpg.webp
Cựu thanh niên xung phong Phạm Ngọc Hòa (sinh năm 1936, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương) đang viết lại những vần thơ gửi người mẹ Mường La sau 70 năm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Thanh Quỳnh

Quay ngược thời gian về tháng 10 năm 1953, khi đó Phạm Ngọc Hòa là một chàng trai 17 tuổi với nhiều ước mơ và hoài bão. Hòa đã cùng với 3 người bạn của mình trong xóm Đà Thị, xã Đà Sơn hăng hái lên đường tham gia lực lượng thanh niên xung phong trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1953 là thời điểm mà cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn tổng phản công, tuổi trẻ Nghệ An cũng vì vậy mà nuôi trong mình một ý chí quyết tâm phải đánh thắng kẻ thù. Theo sự phân công của tổ chức, 4 thanh niên của mảnh đất Đà Thị ngày đó được nhận nhiệm vụ tại các đơn vị khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một niềm hân hoan khi lên đường phục vụ chiến đấu.

Hành quân từ Nghệ An tới huyện Mường La của tỉnh Sơn La, đơn vị của ông Hòa được bản làng của bà con đồng bào Thái cho mượn nhà để nghỉ qua đêm. Ông Hòa và một số đồng đội được ngủ trong căn nhà sàn đơn sơ của một người mẹ đã gần 60 tuổi. Trong đêm tối, chàng thanh niên Phạm Ngọc Hòa vì nhớ nhà, nhớ mẹ nên đã một mình ra ngồi ở hiên nhà, nước mắt lưng tròng.

bao-ninh-thuan-664.jpg.webp
Phụ nữ Sơn La tham gia phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nguồn ảnh: Báo Phụ nữ

Thấy vậy, người mẹ đồng bào Thái đã gọi Hòa vào ngồi sưởi bên bếp lửa cùng mình. Thấy vai áo của Hòa bị rách, bà vội vàng đi tìm kim chỉ để may lại cho “con”. Trong ánh lửa bập bùng, đôi mắt, bàn tay bà dịu dàng theo những đường kim, mũi chỉ. Tình cảm của bà dành cho chàng thanh niên xung phong ấy như là của một người mẹ đối với con trai của mình. Khi đã cẩn thận vá xong vai áo, mẹ dịu dàng khoác lại cho Hòa, trong giây phút ấy, nước mắt hai mẹ con chực trào.

“Trong những năm tháng ấy, đồng bào Tây Bắc đã tích cực ủng hộ sức người, sức của cho kháng chiến. Họ luôn coi bộ đội và lực lượng thanh niên xung phong như con em mình và làm tất cả những gì có thể để giúp sức phục vụ kháng chiến.

Đối với tôi, được đón nhận tình cảm của những người mẹ đặc biệt nơi đây là động lực để bản thân mình cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao, để đất nước không còn chiến tranh, không còn những mẹ già, những em nhỏ phải chịu sự tổn thương do bom đạn gây nên”.

Và rồi, 4 chàng trai ở thôn Đà Thị đã cùng nhau giữ vững tinh thần để trải qua những ngày cam go nhất của chiến dịch. Trong đó, 1 người phục vụ chiến đấu tại cầu Tà Vài (xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La); 2 người ở cuối chân đèo Pha Đin còn ông Hòa cùng đồng đội của mình tham gia làm đường và phá bom nổ chậm tại Đỉnh đèo Pha Đin.

Trong suốt những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” đó, ông Hòa cùng lực lượng thanh niên xung phong ngày đêm chiến đấu giành giật với quân địch từng giờ, từng phút. Vừa phá bom nổ chậm, vừa san lấp hố bom khôi phục đường, bằng mọi biện pháp để thông xe đưa hàng ra mặt trận...

Kết thúc chiến dịch, có 2 người đã trở thành liệt sĩ, họ đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ trong độ tuổi đẹp nhất của thanh xuân. 1 người mất sau đó không lâu khi hòa bình lập lại, bởi sức khỏe đã suy kiệt nhiều sau những lần sốt rét ác tính.

Giờ đây, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” cũng là lúc ông Hòa nhớ lại năm tháng đã đi qua. Ông bùi ngùi đọc lại những vần thơ năm đó đã viết tặng cho người mẹ Mường La: “…Áo vá xong con mặc vào thấy ấm/Lòng xốn xao thương mẹ quá đi hoài/Tây Bắc, Điện Biên, Na Sản, Mường La/Có những mẹ già trái tim nhân ái/ Nửa thế kỷ tròn con trở về thăm mẹ/Tin mẹ không còn bỗng trái tim con trống vắng/Trời Tây Bắc, Điện Biên mùa hoa ban trắng/Đất thì thầm nghe mẹ gọi tên con…”.

NGÃ BA CÒ NÒI VÀ NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI

Ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là một trong những đoạn đường xung yếu nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng vận chuyển vũ khí, lương thực, dân công … cho chiến trường đều phải qua điểm nút ngã ba trọng điểm này. Vì vậy, thực dân Pháp đã ra lệnh cho không quân bằng mọi cách phải biến ngã ba Cò Nòi thành “bãi lầy”, hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế vũ khí, lương thực, dân công… cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Tại đây, địch ném bom bắn phá ác liệt, khiến cho biết bao cán bộ, chiến sĩ phải hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ trọng điểm này”, ông Hoàng Văn Phái (sinh năm 1936) - cựu thanh niên xung phong của mảnh đất Nghi Trung, huyện Nghi Lộc đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ với chúng tôi.

Vừa chia sẻ, ông Phái vừa cầm tấm ảnh đen trắng của người Tiểu đội trưởng đơn vị ông thời đó. Đây chính là người đã từng cứu sống ông trong những giây phút ác liệt tại ngã ba Cò Nòi năm xưa.

toan-canh-khu-tuong-dai-tnxp-nga-ba-co-noi-hom-nay-nguon-anh-bao-son-la-9760.jpg.webp
Toàn cảnh khu tượng đài thanh niên xung phong tại ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) ngày nay. Nguồn ảnh: Báo Sơn La

Trong mạch cảm xúc lắng động, ông Phái cho biết, người Tiểu đội trưởng ấy tên là Dương Mạnh Thịnh, hơn ông 1 tuổi và tham gia phục vụ chiến đấu trước ông gần 1 năm. Thời điểm đó, ông Phái thuộc Đội 40 tham gia phục vụ chiến đấu tại ngã Ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La).

Dưới sự chỉ huy của Tiểu đội trưởng, ông cùng các chiến sĩ trong đơn vị đã kiên cường bám trụ, cùng đồng hành phối hợp với các đơn vị khác để kịp thời phá bom nổ chậm, san lấp mặt đường, giữ vững "huyết mạch" giao thông.

bna-anh-3-4567.jpg.webp
Chân dung Tiểu đội trưởng Dương Mạnh Thịnh (sinh năm 1935) đã từng cứu sống đồng đội. Ảnh: Thanh Quỳnh

Bởi phục vụ chiến đấu trong thời gian kéo dài, cùng với các đợt sốt rét ác tính liên tiếp giáng xuống cơ thể suy nhược của mình nên ông Phái đã bị kiệt sức và ngất lịm ngay khi vừa hoàn thành nhiệm vụ san lấp hố bom. Thấy đồng đội nguy nan trước cửa tử, Tiểu đội trưởng của ông đã ngay lập tức cõng ông dậy.

Giữa mưa bom bão đạn, người tiểu đội trưởng ấy đã lấy thân mình che chở cho ông. Đưa ông vượt qua quãng đường hơn 2 km để đến với trạm y tế của lực lượng thanh niên xung phong.

Đặt đồng đội nằm xuống cũng là lúc người tiểu đội trưởng ấy kiệt sức. Vậy nhưng, chỉ nghỉ ngơi một chút, ông lại quay trở lại địa bàn để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.

bna-anh-2-dien-bien-phu-5781.jpg.webp
Ông Hoàng Văn Phái, sinh năm 1936, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc (trái) cùng với con trai của người Tiểu đội trưởng Dương Mạnh Thịnh đã từng cứu sống ông ở ngã Ba Cò Nòi. Ảnh: Thanh Quỳnh

Sau khi hòa bình lập lại, nhớ ơn người Tiểu đội trưởng đã cứu mình năm xưa, ông Phái vẫn luôn qua lại, thăm hỏi và giữ mãi tình đồng chí, đồng đội thân thiết.

Dù rằng, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng ngã ba Cò Nòi và những địa danh gắn liền với Chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ mãi là chứng nhân lịch sử của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta nói chung, lực lượng thanh niên xung phong nói riêng.

Đó là ngọn lửa để thắp sáng truyền thống vẻ vang của dân tộc, là động lực để những người chiến sĩ năm xưa tiếp những bản hùng ca của thời bình...

Từ tháng 2/1954, thực hiện lệnh tổng động viên phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, có 5.438 thanh niên tỉnh Nghệ An đã hăng hái tham gia nhập ngũ, vượt chỉ tiêu quy định. Tất cả nhân lực này đã bổ sung kịp thời cho các đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường của Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần làm nên thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam.

Thanh Quỳnh