Những đổi mới trong tổ chức Kỳ họp lần thứ 21 của HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVIII (nhiệm kỳ 2021-2026)
Tại kỳ họp, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; dự toán thu, chi ngân sách; thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Thảo luận, đánh giá cụ thể, khách quan, toàn diện việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các chỉ tiêu dự kiến khó đạt trong năm 2024 và ảnh hưởng đến cả nhiệm kỳ như tốc độ tăng trưởng; thu ngân sách Nhà nước; GRDP bình quân đầu người; khả năng duy trì thứ hạng cao về thu hút đầu tư FDI; việc tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động; tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm…Đồng thời các đại biểu HĐND đã có ý kiến làm rõ những bất cập, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của các ngành, các cấp; đề xuất bổ sung, điều chỉnh các giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 đã đề ra.
Với tinh thần tập trung, dân chủ, thẳng thắn, tại phiên thảo luận tổ đã có 44 lượt ý kiến phát biểu của các đại biểu HĐND tỉnh và đại diện các cơ quan, đơn vị tham gia thảo luận. Qua tổng hợp, một số ý kiến của các đại biểu đã được đại diện UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan giải trình, làm rõ thêm những vấn đề mà cử tri và đại biểu quan tâm. Tại phiên thảo luận hội trường có 16 lượt ý kiến trao đổi, thảo luận. Về những nội dung thảo luận, các đại biểu đều nhất trí với nội dung các báo cáo, dự thảo nghị quyết mà Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh trình kỳ họp. Trong đó thống nhất cao với kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2024, đặc biệt là những kết quả nổi bật, tích cực và toàn diện về tốc độ tăng trưởng GRDP, doanh thu du lịch, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, các hoạt động đối ngoại, bảo đảm quốc phòng, an ninh… trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,76%, trong đó, quý II tăng 7,22%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (6,15%). Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,13%; khu vực công nghiệp-xây dựng ước tăng 9,95%; khu vực dịch vụ ước tăng 5,85%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,77%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GRDP chưa đạt kịch bản đề ra, khu vực dịch vụ tăng thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng so cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn chưa thật sự bền vững. Một số nguồn vốn đầu tư công giải ngân còn chậm như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... đặt ra những áp lực rất lớn trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị 6 tháng cuối năm 2024.
Đặc biệt, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn được diễn ra khá sôi nối, thẳng thắn, thiết thực, trách nhiệm, các đại biểu đã phát huy tinh thần đại biểu của dân, câu hỏi của các đại biểu có trọng tâm, trọng điểm là những vấn đề cử tri quan tâm. Giám đốc sở ngành được chất vấn cơ bản nắm chắc các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách “thuộc bài”. Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh đã lựa chọn những nhóm vấn đề chất vấn sát sườn, “đúng và trúng” những vấn đề cử tri quan tâm.
Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hoá trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh xoay quanh công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phòng, chống, xử lý hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và quy hoạch, kinh doanh, quản lý chợ. Đây là những vấn đề liên quan trực tiếp, hàng ngày đến sức khỏe, đời sống dân sinh. Hiện nay tỉnh Nghệ An có 48.552 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong giai đoạn 2021-2023 và 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập 3.287 đoàn thanh tra, kiểm tra 40.573 cơ sở. Qua thanh, kiểm tra phát hiện 1.590 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 3,659 tỷ đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là không thực hiện quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn, kiểm thực ba bước; Nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm... Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Nghệ An nổi lên là các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, sản phẩm gia súc, gia cầm, thuốc lá, các mặt hàng tiêu dùng và hình thức kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên hệ thống thương mại điện tử.
Giai đoạn 2021 - 2023, các lực lượng chức năng và các ngành liên quan đã tổ chức kiểm tra, xử phạt hành chính 20.591 vụ, khởi tố hình sự 1.050 vụ, tổng giá trị thu phạt hơn 805,731 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2024, tiến hành kiểm tra, xử phạt hành chính 4.233 vụ, khởi tố hình sự 896/1163 vụ, tổng giá trị thu phạt 115,706 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 371 chợ đang hoạt động gồm 7 chợ hạng I, 20 chợ hạng II, 240 chợ hạng III, 104 chợ chưa được xếp hạng. Toàn tỉnh có 154 chợ kiên cố, 133 chợ bán kiên cố, 84 chợ là các chợ có cơ sở vật chất tạm bợ.
Tuy nhiên, hiện một số chợ hoạt động không hiệu quả hoặc hiệu quả chưa cao, cơ sở vật chất xuống cấp hệ thống cấp thoát nước, hệ thống PCCC, vệ sinh môi trường còn yếu kém. Chưa có chợ đầu mối của tỉnh để tổ chức liên kết với trung tâm phân phối hàng hóa lớn của các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Tiếp cận, chuyển đổi mô hình kinh doanh chợ còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số và nhu cầu của người dân. Nguồn lực đầu tư cho phát triển hệ thống chợ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống chợ còn bất cập, một số chợ hiệu quả không cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý chợ có mặt còn hạn chế… Đồng thời nêu rõ những giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng đã phân tích làm rõ nguyên nhân, nhìn rõ hạn chế, đề xuất giải pháp nâng thứ hạng Cải cách hành chính của tỉnh trong thời gian tới. Lý giải nguyên nhân công tác CCHC còn nhiều hạn chế, Giám đốc Sở Nội vụ nêu rõ: Mặc dù chỉ số CCHC có tăng bậc nhưng một số chỉ số thành phần còn thấp. Bên cạnh những mặt đạt được, công tác cải CCHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp; việc sử dụng dịch vụ công còn thấp. Chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn có những khó khăn, bất cập.
Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và có biểu hiện nhũng nhiễu, lợi dụng chức vụ quyền hạn. Thời gian qua có một số cán bộ, công chức vi phạm pháp luật bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Từ đầu năm 2024 đến nay toàn tỉnh xử lý vi phạm 27 cán bộ công chức từ tỉnh đến cấp xã. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị trong công tác cải cách hành chính.
Thiết tực nhất là việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) được dư luận quan tâm, đặc biệt là cán bộ ở các địa phương thuộc diện sáp nhập. Đây là vấn đề được các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ. Như "việc bố trí các chức danh đoàn thể Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Bí thư Đoàn Thanh niên, đặc biệt là quan tâm cán bộ Đoàn quá tuổi" là nội dung các cán bộ đoàn thể ở cơ sở đặc biệt quan tâm, trăn trở.
Qua trả lời của Giám đốc Sở Nội vụ cho thấy, tỉnh đã rà soát, thống kê số lượng cán bộ dôi dư; đồng thời đưa ra các giải pháp căn cơ cũng như cách làm của các địa phương. Theo đó, đến ngày 31/12/2024 tỉnh Nghệ An sẽ hoàn thành việc giải quyết cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2021 theo đúng lộ trình và yêu cầu. Từ cách làm đó, những cán bộ thuộc diện dôi dư tỉnh sẽ có phương án bố trí việc làm sau sáp nhập ĐVHC. Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Nghị quyết hỗ trợ chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đây là một chính sách riêng của tỉnh khuyến khích, động viên để hỗ trợ thêm cho đối tượng dôi dư sau sắp xếp... Hoặc vấn đề cử tri các địa phương thuộc diện sáp nhập cũng như cử tri thị xã Cửa Lò băn khoăn là sau sắp xếp ĐVHC phát sinh các loại giấy tờ của các tổ chức, cá nhân đã được các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi. Nội dung này đã được Giám đốc Sở Nội vụ làm rõ và các các giải pháp như: Nhà nước quy định tiếp tục được sử dụng các loại giấy tờ chưa hết hạn sử dụng và tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi thủ tục hành chính và khi chuyển đổi không thu phí nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được thuận lợi hơn.
Với tỷ lệ tán thành cao, HĐND tỉnh đã thảo luận, biểu quyết thông qua 26 nghị quyết liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh và sự phát triển của tỉnh. Trong đó có 01 nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; 06 nghị quyết về đầu tư phát triển và phân bổ vốn; 05 nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án; 05 nghị quyết quy phạm pháp luật ban hành các cơ chế chính sách và 09 nghị quyết về các nội dung quan trọng khác.
Tại kỳ họp lần này, nhiều ý kiến đánh giá cao và ghi nhận phương pháp hoạt động, điều hành rất đổi mới của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh và sự chỉ đạo quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể, kịp thời, hiệu quả của UBND tỉnh. Các đại biểu và cử tri tỉnh nhà cũng đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục đổi mới nhiều hơn nữa nội dung, phương pháp hoạt động, quan tâm đến việc chỉ đạo, điều hành sát thực tế ở cơ sở. Đại biểu HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; giải quyết dứt điểm và trả lời các kiến nghị chính đáng của cử tri.
Trần Duy Ngoãn