Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 gồm 08 chương, 63 điều vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế. Luật có hiệu lực từ 1/7/2025.

Dưới đây là những điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống mua bán người:

Sửa đổi, bổ sung quy định nguyên tắc của Nhà nước về phòng, chống mua bán người:

Trong đó, Luật đã bổ sung các nguyên tắc quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như:

- Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân làm trung tâm; bảo đảm bình đẳng giới.

- Bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được sử dụng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được và được hưởng chế độ hỗ trợ phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân của họ.

- Tùy từng trường hợp cụ thể và theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là hệ quả trực tiếp của hành vi mua bán người có thể không bị xử lý hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, phù hợp với pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế…

Bổ sung các chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người:

Tại Điều 5 của Luật bổ sung chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người như:

- Bảo vệ và hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo quy định của pháp luật;

- Ưu tiên ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong phòng, chống mua bán người; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống mua bán người;

- Hàng năm, Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cho công tác phòng, chống mua bán người…

281120241141-fb42b25a96082c567519-1735051055243-17350510559131362105214.jpg

Các đại biểu bấm bút thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm:

Một trong những điểm mới của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 là quy định các hành vi bị nghiêm cấm mạnh hơn, bao gồm cả nghiêm cấm hành vi “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”; dung túng, bao che, tiếp tay, cản trở, can thiệp, tác động, không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán người; Cản trở việc giải cứu tiếp nhận, bảo vệ, xác minh, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân…

Việc bổ sung này bảo đảm đầy đủ, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người thời gian qua và đáp ứng yêu cầu của công tác này trong thời gian tới; đồng thời nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa và xử lý hiệu quả các hành vi liên quan đến mua bán người.

Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân:

Tại Điều 6 của Luật quy định nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có quyền sau đây:

- Được thông tin về quyền, lợi ích hợp pháp của mình và các biện pháp phòng ngừa mua bán người;

- Được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định của Luật này hoặc từ chối nhận hỗ trợ;

- Được bảo vệ bí mật thông tin, dữ liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nơi cư trú, nơi làm việc và thông tin khác theo quy định của pháp luật;

- Được cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân…

190820240908-4-22-1735051058066-17350510584431938508966.jpg

Hành vi mua bán bào thai (thai nhi) thường bị cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện ngay từ khâu mua bán, thanh toán nhưng lại không có căn cứ pháp lý để truy tố hành vi này về tội mua bán người. (hình minh họa)

Mở rộng đối tượng được bảo vệ:

Điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 là mở rộng đối tượng được bảo vệ gồm: nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người dưới 18 tuổi đi cùng; người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người hoặc hỗ trợ nạn nhân.

Mở rộng chế độ hỗ trợ cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng:

Đáng chú ý, Luật đã bổ sung các chế độ hỗ trợ cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng như: hỗ trợ y tế, hỗ trợ phiên dịch, hỗ trợ pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên nếu nạn nhân chưa có bảo hiểm y tế…

Bổ sung quy định về giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài:

Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 đã bổ sung quy định về giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài (Điều 29); bổ sung quy định về tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam (Điều 31).

Sửa đổi, bổ sung quy định về giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân và thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân:

Tại khoản 1 Điều 33 của Luật quy định giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Giấy xác nhận là nạn nhân hoặc giấy xác nhận không phải là nạn nhân;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh người đó là nạn nhân do cơ quan nước ngoài cấp đã được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam hợp pháp hóa lãnh sự.

Bổ sung quy định về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người:

Luật bổ sung 01 điều (Điều 48) về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người. Đồng thời sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành gồm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân các cấp về phòng, chống mua bán người.

Bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

Luật bổ sung các quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người (Điều 57); thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người (Điều 58); hợp tác quốc tế trong việc giải cứu và đưa nạn nhân về nước (Điều 59).

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm quy định thống nhất trong Luật và phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật liên quan.