Những con số “biết nói” theo báo cáo hoạt động năm 2022 của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là minh chứng thiết thực cho tinh thần trách nhiệm cũng như hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Trên 70% kiến nghị sau giám sát được giải quyết
Theo báo cáo của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022, các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ và 198 kỳ họp chuyên đề, 51 kỳ họp phát sinh đột xuất. Trong đó, một số tỉnh, thành phố tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề như: Kiên Giang (8 kỳ họp); Đắk Lắk, Khánh Hòa (7 kỳ họp); Hậu Giang, Hòa Bình, Phú Yên, Sơn La, (6 kỳ họp); Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Đắk Nông, Bình Thuận (5 kỳ họp).
HĐND các tỉnh, thành phố đã ban hành tổng số 5.873 nghị quyết (1.675 nghị quyết quy phạm pháp luật, 38 nghị quyết chất vấn, 3.860 nghị quyết cá biệt và 300 nghị quyết về nhân sự ). Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành nhiều nhất là 173 nghị quyết, tỉnh Hà Tĩnh ban hành ít nhất là 65 nghị quyết. Các nghị quyết được các Ban HĐND thẩm tra kỹ lưỡng như tỉnh Long An trải qua 4 giai đoạn (trước khi đưa vào kế hoạch ban hành nghị quyết; trước khi đưa vào chương trình kỳ họp; trước khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến; trước khi trình HĐND tỉnh tại kỳ họp), xin ý kiến chuyên gia đầu ngành, tham vấn ý kiến nhân dân đối với một số vấn đề khó, quan trọng, phức tạp; nhiều địa phương duy trì tốt phương pháp thẩm tra kết hợp giữa xem xét báo cáo với đi khảo sát thực tế địa bàn.
Hầu hết Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố duy trì đều đặn việc họp giao ban định kỳ hàng tuần, hàng tháng. Năm 2022, đã tổ chức 790 phiên họp định kỳ, khi có những việc phát sinh thì tổ chức phiên họp đột xuất ngay để kịp thời xử lý công việc. Năm 2022, đã tổ chức 201 cuộc họp đột xuất để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và một số nội dung khác để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Tại một số phiên họp của Thường trực HĐND cấp tỉnh đã yêu cầu tổng số 360 cơ quan thực hiện giải trình, trong đó tỉnh nhiều nhất là Gia Lai (yêu cầu 33 cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải trình); thực hiện hoạt động chất vấn đối với 169 người, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND.
Trong năm 2022, đã có 1.107 đoàn giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND cấp tỉnh. Trong đó, có 81 đoàn của HĐND cấp tỉnh, 176 đoàn giám sát của Thường trực HĐND, 621 đoàn giám sát của các Ban HĐND, 229 đoàn của Tổ đại biểu HĐND, tỉnh Hải Dương tổ chức nhiều nhất là 48 đoàn giám sát. Qua giám sát, đã có 11.229 kiến nghị, đến thời điểm báo cáo đã có 8.083 kiến nghị được giải quyết (đạt tỷ lệ 70,39 %). Một số tỉnh có tỷ lệ giải quyết rất cao như: An Giang, Bình Dương, Cà Mau, Đồng Tháp, Lạng Sơn, Nghệ An, Tiền Giang, Trà Vinh, Yên Bái đều đạt 100%.
83,05% kiến nghị cử tri, 88,70% khiếu nại, tố cáo được giải quyết
Cũng theo báo cáo của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2022, đại biểu HĐND cấp tỉnh đã tổ chức TXCT tổng số 4.440 cuộc (trong đó tiếp xúc theo chuyên đề là 75 cuộc, TXCT định kỳ “trước và sau kỳ họp” 4.344 cuộc, tiếp xúc với hình thức khác là 21 cuộc), thu nhận được tổng số 21.429 kiến nghị; số kiến nghị được giải quyết trung bình của cả nước là 83,05%. Trong đó, nhiều tỉnh có tỷ lệ giải quyết cao như: An Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hậu Giang, Kon Tum, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Tuyên Quang đều có tỷ lệ giải quyết đạt 100%… Các kiến nghị sau khi được UBND cấp tỉnh trả lời, giải trình đầy đủ, rõ ràng, công khai tại các kỳ họp HĐND cấp tỉnh, được đăng tải trên trang thông tin điện tử tỉnh, thành phố và các kênh thông tin đại chúng, cơ bản đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
Trong năm 2022, một số địa phương có tỷ lệ 100% đại biểu HĐND cấp tỉnh tiếp công dân, với tổng số 16.129 lượt công dân, tiếp nhận được tổng số 9.165 khiếu nại, tố cáo; tỷ lệ trung bình về giải quyết khiếu nại, tố cáo của cả nước là 88,70%. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải quyết đạt tỷ lệ 100%: An Giang, Bắc Giang, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Cao Bằng, Cần Thơ, Đắk Lắk, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của HĐND các địa phương, năm 2022, nhiều tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng trên địa bàn và thu ngân sách cao như: thành phố Hồ Chí Minh (đạt 9,0%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 478,732 tỷ đồng); Hà Nội (đạt 8,9%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 331,969 tỷ đồng); Hải Phòng (đạt 12,3%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 106.104 tỷ đồng); Bà Rịa - Vũng Tàu (đạt 7,2%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 71,555 tỷ đồng); các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt cao từ 50.000 tỷ đồng trở lên; nhiều tỉnh đã vượt thu ngân sách nhà nước so với dự toán trên 50%.
PHƯƠNG NGUYÊN