Mới đây, tại hội nghị sơ kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I/2024, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xử phạt nguội với ô tô đang làm rất tốt, nhưng vi phạm của xe máy còn rất nhiều, cần có hình thức xử phạt nguội đối với phương tiện này.

Bộ trưởng Bộ GTVT nhận định, việc cải thiện hành vi của người đi xe máy chắc chắn sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới.

w-xu-ly-xe-may-6-1-1014.jpg?width=0&s=VHG7uPO1f6MhCOI4PVWu1w
Xe máy bất chấp nguy hiểm đi lên đường vành đai 3 trên cao ở Hà Nội. Ảnh: Đình Hiếu

Liên quan đến vấn đề này, anh Nguyễn Bình (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ ủng hộ việc phạt nguội với người đi xe máy vi phạm để đảm bảo an toàn giao thông, từng bước thay đổi hành vi, ý thức chấp hành pháp luật của tài xế.

"Thực tế trên đường, nhiều người điều khiển xe máy không tuân thủ phần đường, làn đường hoặc vượt đèn đỏ gây mất an toàn giao thông. Nếu áp dụng phạt nguội, những người đi ẩu sẽ có ý thức hơn", anh Nguyễn Bình nói.

Chị Thu Trang (Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ, việc xe máy vượt đèn đỏ xảy ra trên nhiều tuyến đường, nhất là khi vắng bóng lực lượng chức năng.

"Nếu phạt nguội thì người điều khiển xe máy sẽ không dám vượt đèn đỏ nữa, biện pháp này cần được áp dụng rộng rãi", chị Thu Trang nhận định.

w-vanh-dai-3-10-copy-1-1015.jpg?width=0&s=4po2Npz8pO9aaUtfp0hhzw
Tài xế xe máy bỏ chạy ngược chiều khi gặp CSGT. Ảnh: Đình Hiếu

Bên cạnh các ý kiến ủng hộ phạt nguội với xe máy, nhiều người lại tỏ ra băn khoăn nếu áp dụng biện pháp này.

Anh Nguyễn Đức (Bắc Ninh) cho rằng, hiện nay xe máy không phải đăng kiểm định kỳ, nhiều người mua bán không sang tên đổi chủ. Vậy khi áp dụng phạt nguội có thể tìm được người điều khiển phương tiện vi phạm không?

"Nếu cứ gửi thông báo phạt nguội mà người đang sử dụng phương tiện không nhận được thì sẽ không đảm bảo việc nộp phạt, dẫn đến việc xử phạt không đủ răn đe", anh Đức băn khoăn.

Anh Tiến Huy (Hải Phòng) lại lo ngại việc phạt nguội xe máy khó phát huy hiệu quả với các hành vi như đi lên vỉa hè, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ...

"Khác với ô tô, xe máy chỉ có biển kiểm soát ở phía sau xe. Liệu hệ thống camera phạt nguội có ghi nhận được hết các trường hợp vi phạm?", anh Tiến Huy nêu vấn đề.

brt-thaong-8-1016.jpg?width=0&s=KdRmn_cdwNvYjRDQaJtOQQ
Camera phạt nguội được lắp đặt trên nhiều nút giao thông ở Hà Nội. Ảnh: Đình Hiếu

Trên thực tế, việc phạt nguội đối với xe máy đã được một số địa phương áp dụng, có những trường hợp vi phạm nhiều lần bị xử phạt.

Cụ thể, cuối tháng 3 vừa qua, sau khi trích xuất camera giám sát, Công an huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã phát hiện, xử lý nhiều tài xế điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm luật giao thông.

Chỉ trong 1 tháng (từ 1- 29/2), bà N.T.T. (41 tuổi, trú tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa) đã vi phạm 26 lần. Trong đó, bà T. vượt đèn đỏ 16 lần và 10 lần không không đội mũ bảo hiểm. Với các lỗi vi phạm trên, người phụ nữ này đã bị xử phạt 15,4 triệu đồng.

Tài xế T.V.T. cũng phải nhận 24 biên bản phạt nguội với 5 lần vượt đèn đỏ và 19 lần không đội mũ bảo hiểm. Tổng số tiền phạt với các lần vi phạm của anh T. là 14 triệu đồng.

Cũng theo Công an huyện Hiệp Hòa, trong tháng 2, hệ thống camera giám sát trên địa bàn huyện ghi nhận 100 trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm giao thông với tần suất từ 12 lần trở lên. Phổ biến là lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và không đội mũ bảo hiểm.