Đồng chí Nguyễn Nam Đình, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị, nhấn mạnh việc tổ chức Hội nghị lần này tại huyện Diễn Châu là dịp để trao đổi, thảo luận những vướng mắc, khó khăn, đồng thời thảo luận những kinh nghiệm, những giải pháp hay để thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động tổ chức kỳ họp chuyên đề trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp trong hoạt động của HĐND nói chung, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của HĐND các cấp, thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân, đảm bảo để hoạt động của HĐND các cấp đóng góp tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đồng chí Đặng Thị Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Diễn Châu phản ánh việc tổ chức kỳ họp chuyên đề cũng gặp một số khó khăn như: Thời gian từ khi quyết định đến khi tổ chức kỳ họp thường ngắn, thường là những nội dung quan trọng, khối lượng công việc lớn, nhất là về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, đầu tư công… nên đơn vị trình cần có thời gian để chuẩn bị, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND cần có thời gian nghiên cứu, khảo sát và thẩm tra các dự thảo nghị quyết.
Đồng chí Chu Đức Thái, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tham luận, trong đó nêu rõ kỳ họp chuyên đề về bản chất cũng là một kỳ họp của HĐND các cấp để giải quyết các vấn đề phát sinh có tính cấp thiết, cần quyết định ngay để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và công tác cán bộ thuộc thẩm quyền mà chưa kịp tổ chức tại kỳ họp thường lệ và nếu để đến kỳ họp thường lệ kế tiếp thì quá muộn, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của địa phương cũng như bỏ lỡ những cơ hội đầu tư, phát triển…Vì vậy, mọi công tác chuẩn bị, công tác tổ chức, công tác điều hành và công tác thông tin tuyên truyền về kỳ họp cần được chuẩn bị chu đáo, chất lượng như một kỳ họp định kỳ của HĐND các cấp
Đồng chí Vũ Anh Thế, Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Yên Thành cho rằng với thời lượng kỳ họp không nhiều (thường là 1 buổi), việc xây dựng kịch bản và phân công điều hành sớm cho Chủ tọa một cách chi tiết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chủ tọa điều hành kỳ họp khoa học, giúp các cơ quan liên quan chủ động chuẩn bị, giảm thời gian trình bày mỗi nội dung, góp phần nâng cao chất lượng điều hành và ra quyết định tại kỳ họp. Cách làm này tạo điều kiện cho từng thành viên chủ tọa kỳ họp có thời gian tiếp cận, nghiên cứu, chuẩn bị nội dung sâu sắc hơn và việc điều hành đúng trọng tâm, trọng điểm, giúp đại biểu thuận lợi trong thảo luận và quyết nghị.
Đồng chí Ngô Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn phản ánh trên thực tế, không phải đại biểu nào cũng có thể nắm bắt nhanh, am hiểu sâu sắc về tất cả các lĩnh vực, các vấn đề sẽ đưa ra kỳ họp. Do vậy, ngoài quyền chủ động phát biểu của đại biểu, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện cần có sự định hướng cụ thể cho từng đại biểu hoặc Tổ đại biểu nghiên cứu chuyên sâu về các nội dung chuyên đề để khi vào kỳ họp, phần thảo luận nội dung chuyên đề có nhiều ý kiến thảo luận có chất lượng, nhất là những vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm, những vấn đề có tác động nhiều, phạm vi rộng trong đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương hoặc đang có nhiều ý kiến khác nhau. Đồng thời đề nghị có tiêu chí cụ thể để đánh giá đại biểu để có cơ sở trong bình xét thi đua khen thưởng.
Đồng chí Nguyễn Duy Thao, Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch HĐND thị xã Hoàng Mai nêu kinh nghiệm Chủ tọa kỳ họp phải “truyền lửa” vào kỳ họp, làm cho kỳ họp thực sự sinh động; tiếp sức cho đại biểu làm tròn chức năng nhiệm vụ của người đại biểu Nhân dân; phải linh hoạt trong quá trình điều hành để khơi dậy được ý thức, trách nhiệm của đại biểu. Cùng với đó bản thân mỗi đại biểu HĐND cũng cần khẳng định mình tại các kỳ họp góp nên sự thành công của kỳ họp. Nếu sự chuẩn bị kỳ họp của Thường trực Hội đồng nhân dân đã rất chu đáo nhưng không được Đại biểu tích cực tham gia thì kỳ họp không thể thành công. Đồng chí cũng đề nghị quan tâm, có giải pháp trang cấp thiết bị cho đại biểu để thực hiện kỳ họp không giấy tại HĐND thị xã Hoàng Mai trong thời gian tới.
Ngoài thảo luận về tổ chức kỳ họp chuyên đề của HĐND, đồng chí Bùi Thanh Bảo, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Kỳ đề nghị đại biểu HĐND cần quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, tập trung đối thoại tốt với người dân những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, đại biểu cần cập nhật các các chủ trương, chính sách, các quy định mới để có thể trả lời ngay các ý kiến, kiến nghị cử tri phản ánh tại các buổi tiếp xúc cử tri mà không phải tổng hợp, gửi cơ quan có thẩm quyền trả lời.
Đồng chí Hoàng Thị Thu Trang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn đề nghị cần có quy chế quy định trường hợp nào được tổ chức kỳ họp chuyên đề; phát huy cao vai trò điều hành của chủ tọa kỳ họp chuyên đề; quan tâm phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện trong việc ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đồng chí Lê Trường Giang - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Hoàng Mai đề nghị quan tâm giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. HĐND cần đồng hành với UBND trong giải quyết kiến nghị cử tri; ý kiến, kiến nghị cử tri cần ghi rõ địa chỉ để thông tin kịp thời đến người dân; phân định rõ việc ở cấp nào cấp đó cần giải quyết cho người dân, tránh đùn đẩy lên cấp trên; Thường trực HĐND giám sát kiến nghị cử tri theo lĩnh vực phòng, ngành phụ trách, giám sát ngay trong quá trình giải quyết kiến nghị cử tri; trả lời rõ cho cử tri về việc có đảm bảo nguồn lực để thực hiện hay không. Quan tâm phân cấp giữa cấp trên với cấp dưới để giải quyết các điểm nghẽn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đồng chí Lục Thị Liên, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã cần yêu cầu UBND cấp huyện báo cáo giải trình rõ đối với nội dung thẩm tra của các Ban HĐND cùng cấp, hạn chế việc bị động tại kỳ họp; quan tâm giao việc cho các Ban HĐND cấp huyện để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Nam Đình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu tham dự Hội nghị, thể hiện sự quan tâm, cầu thị với mong muốn được chia sẻ, học hỏi để bồi đắp thêm kỹ năng, tri thức và kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Nam Đình đã giải đáp, ghi nhận một số kiến nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thị xã để giao các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh xem xét, trả lời cũng như tập hợp để đề xuất lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ như: về cơ chế khen thưởng đối với Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quy định thành lập tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; việc bồi dưỡng kỹ năng công tác đại biểu; việc chấm điểm đại biểu Hội đồng nhân dân và chỉ đạo của Thường trực HĐND trong hoạt động TXCT, xây dựng phần mềm phân loại ý kiến kiến nghị cử tri; xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân…
Đồng chí Nguyễn Nam Đình đề nghị trong thời gian tới, Thường trực HĐND cần đưa vào dự kiến chương trình công tác hàng năm sẽ tổ chức các kỳ họp chuyên đề giữa các kỳ họp thường lệ để UBND và các cơ quan liên quan chủ động, linh hoạt sắp xếp các nội dung liên quan. Ngay sau khi kết thúc các kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND cần chủ động từ sớm, từ xa, thống nhất với Uỷ ban nhân dân chương trình, nội dung, phân công nhiệm vụ, công tác chuẩn bị của kỳ họp chuyên đề tiếp theo. Qua đó, cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, nghị quyết và cơ quan thẩm tra ngay từ đầu có nhiều thời gian để khảo sát, xây dựng, thẩm tra, hoàn chỉnh các nội dung của kỳ họp để gửi cho các tổ đại biểu, đại biểu nghiên cứu, tham gia ý kiến và trình kỳ họp đúng quy định, tiến độ, có chất lượng. Quá trình chuẩn bị nội dung kỳ họp cần ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm và hộp thư điện tử công vụ để có thể gửi sớm tài liệu cho đại biểu nghiên cứu. Do thời gian tổ chức các kỳ họp không dài, nên chương trình, kịch bản kỳ họp cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, việc điều hành của chủ tọa phải chặt chẽ, khoa học, có trọng tâm, linh hoạt và ngắn gọn; chú trọng đến những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tăng cường trao đổi, đối thoại, tranh luận; tiến hành thảo luận tổ nếu cần thiết và tổ chức thảo luận kỹ tại hội trường. Việc chỉnh lý, ký ban hành các nghị quyết cần thực hiện ngay trong các ngày làm việc kể từ ngày được biểu quyết thông qua để làm căn cứ thực hiện các bước tiếp theo… qua đó tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân các cấp.
Trung Tú – Hoàng Bá