Nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Luật Đất đai liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Thái Thị An Chung – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và một số đơn vị cấp huyện, cùng một số luật sư thuộc đoàn và văn phòng luật sư.
Đề xuất không thu hồi đất nông nghiệp bỏ hoang
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương đã tập trung góp ý, bổ sung nhiều vấn đề trên cơ sở căn cứ pháp luật và thực tiễn quản lý.
Liên quan đến phân loại đất, một số ý kiến cho rằng, dự thảo chưa đề cập đến việc phân loại đất đối với các dự án nông nghiệp hỗn hợp như vừa có trồng cây hàng năm, vừa trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm dược liệu, vừa có nhà kính…; gây khó khăn cho các địa phương trong xác định loại đất, đề nghị bổ sung thêm mục phân loại “đất hỗn hợp”.
Đồng thời đề nghị bổ sung thêm nhóm đất vườn ao liền kề đất ở là một loại đất trong nhóm đất nông nghiệp bởi chế độ sử dụng đất, chế độ quản lý của loại đất này có tính chất khác biệt so với các loại đất khác; cần thay đổi “đất chăn nuôi tập trung” thành “đất chăn nuôi”.
Vấn đề thu hồi đất được nhiều ý kiến quan tâm góp ý, trong đó có đất nông nghiệp không sử dụng và đất chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Cụ thể, dự thảo không nên quy định thu hồi đất đối với diện tích đất nông nghiệp không sử dụng, bởi trong thực tiễn hiện nay, diện tích đất nông nghiệp người dân bỏ hoang nhiều với những nguyên nhân khác nhau, trong đó có yếu tố thuỷ lợi không đảm bảo hoặc bị ảnh hưởng thiên tai…. Vì vậy, đối với đất nông nghiệp khi đã cấp quyền sử dụng cho người dân thì nên khuyến khích người dân chuyển đổi để sản xuất có hiệu quả.
Mặt khác, quy định thu hồi đất đối với các tổ chức chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính tiền sử dụng đất và thuê đất sau 90 ngày cơ quan Thuế thông báo nộp là chưa phù hợp mà nên quy định sau 12 tháng.
Một số ý kiến góp ý nội dung xác định giá đất và xây dựng bảng giá đất; đề nghị Quốc hội cần quy định thống nhất về giá đất sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, tránh imỗi địa phương xây dựng một mức khác nhau như hiện nay, bằng 50%, 60%, 70% giá đất ở, gây cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút đầu tư.
Nhiều ý kiến cũng thảo luận, góp ý kiến về nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; bố trí tái định cư; phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; các căn cứ, điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Các đại biểu cũng góp ý về các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Một số ý kiến đề xuất cần có chính sách đất ở và đất sản xuất phù hợp đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp liên quan đến nội dung cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân và việc giải quyết đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01/7/2014...
Tổng hợp ý kiến góp ý chất lượng
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao sự nghiên cứu trách nhiệm và góp ý chất lượng của đại diện các sở, ngành, địa phương vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng tiếp thu ý kiến góp ý tập trung vào 9 nhóm vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số khái niệm và giải thích từ ngữ đảm bảo chính xác, làm tiền đề áp dụng khi luật ban hành; về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; phân loại đất; bổ sung chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số; bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ các dự án, công trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và mục đích khác.
Đó còn là nhóm ý kiến về tài chính; quy định phương pháp xây dựng bảng giá đất và giá đất cụ thể của từng loại đất để đảm bảo thống nhất chung trong cả nước; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp chuyển tiếp giữa các thời điểm thay đổi luật.
Về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan về quản lý đất đai; các thẩm quyền liên quan đến đất đai của HĐND tỉnh và các cơ quan Trung ương…
Trên cơ sở các nội dung góp ý của các đại biểu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh giao Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Sở Tài nguyên – Môi trường để tổng hợp báo cáo góp ý gửi xin ý kiến các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương thêm một lần nữa, để đảm bảo báo cáo góp ý của tỉnh Nghệ An gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có chất lượng và kịp thời gian.
Mai Hoa