Mục đích của giám sát lần này là nhằm đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, đưa ra được các kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Thời gian qua, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, trong đó có chương trình, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được các bộ, ngành địa phương quan tâm, thực hiện. Qua đó, góp phần tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi nước ta.

Là tỉnh miền núi, qua thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, bộ mặt nông thôn, miền núi của tỉnh Hà Giang từng bước được đổi thay, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. “Nhân dân các dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số cảm ơn Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực để các tỉnh miền núi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, để bớt đi khó khăn, bớt đi nghèo đói, để Trung ương bớt đi trợ cấp, giúp đỡ”. Đây là chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn với Đoàn giám sát của Quốc hội.

Hay với Sóc Trăng, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã đạt được kết quả tích cực. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh giảm được 7.270 hộ nghèo. Năm 2022 giải quyết việc làm cho 946 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo… Đây là một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận trong quá trình triển khai chương trình thời gian qua. Đó là kết quả sự vào cuộc tích cực các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo địa phương trong việc đưa chính sách sớm đến với người dân.

Tuy vậy, từ thực tế giám sát một số khó khăn cũng đã được chỉ rõ. Đó là việc ban hành, điều chỉnh, sửa đổi một số cơ chế, chính sách còn chậm so với yêu cầu thực tiễn. Trong khi đó, có tình trạng “3 Thông tư dẫn chiếu 324 lượt điều, khoản”. Vẫn biết rằng, vì nội dung nhiều nên mới phải dẫn chiếu nhiều nhưng chính vì dẫn chiếu như “ma trận”, hay tình trạng hướng dẫn “lằng nhằng” đang làm khó cho người triển khai thực hiện. Thực tế này cũng cần sớm tháo gỡ để thuận lợi cho người triển khai thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân từ việc Trung ương giao vốn chậm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa phương. Một số chỉ tiêu còn mâu thuẫn, nhất là nội dung về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Trong công tác giảm nghèo, việc triển khai và giải ngân nguồn kinh phí thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình còn chậm do nguồn kinh phí thực hiện được phân bổ vào thời điểm giữa năm 2022. Đáng nói là, các yêu cầu về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện các dự án đòi hỏi nhiều thời gian thực hiện, trong quá trình triển khai, một số vướng mắc về quy định, hướng dẫn thực hiện đã dẫn đến kéo dài thời gian giải ngân...

Những điểm sáng, hay vướng mắc này chỉ là nhận diện bước đầu khi Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với với bộ, ngành, địa phương về việc triển khai thực hiện các Chương trình. Sẽ còn những “cách làm hay” được chia sẻ, lan tỏa, nhân rộng, những vướng mắc cũng được chỉ ra để có những giải pháp tháo gỡ.

Trong phát biểu kết luận nội dung phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, Kỳ họp thứ Năm vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu, khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền những quy định, hướng dẫn còn chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa đầy đủ. Tập trung tháo gỡ các "điểm nghẽn" để đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để bù lại thời gian chậm trễ vừa qua, nhất là việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn thực hiện chương trình.

Tin rằng, trong quá trình giám sát, những vướng mắc được thẳng thắn chỉ rõ, cùng với đó là những kiến nghị giải pháp hữu hiệu sẽ giúp việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về đích đúng hẹn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của cả nước trong thời gian tới.