7 luật được công bố bao gồm: Luật Viễn thông; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước; Luật Nhà ở; Luật Tài nguyên nước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật kinh doanh bất động sản.
Thông tin một số điểm mới đáng chú ý của Luật Căn cước, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Căn cước 2023 đã quy định mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu khác vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước so với Luật Căn cước công dân năm 2014 để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ. Luật Căn cước 2023 cũng quy định các nội dung trên thẻ căn cước, trong đó đổi tên thẻ "Căn cước công dân" thành "Căn cước", có hiệu lực từ ngày 1-7-2024; lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, bỏ quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ, thay bằng số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú để tạo thuận lợi hơn cho người dân, đảm bảo tính riêng tư, hạn chế việc phải cấp đổi lại thẻ. Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Công an cũng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc cấp, đổi thẻ căn cước online.
Riêng quy định bổ sung thu thập mống mắt, trung tướng Lê Quốc Hùng khẳng định, sẽ không có bất cứ phiền toái nào với người dân.
Cũng theo quy định của luật mới thì việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi được thực hiện theo nhu cầu, với người 14 tuổi trở lên là bắt buộc. Luật Căn cước 2023 cũng bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đồng thời quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp 1 căn cước điện tử, có giá trị tương đương như căn cước sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và thực hiện các giao dịch, hoạt động theo nhu cầu của người dân. Căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024.