Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, tính đến thời điểm hiện nay, toàn huyện Nghi Lộc đã thực hiện được 8/12 chính sách theo quy định của Nghị quyết số 68/NQ-CP, trong đó có chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chính sách hỗ trợ đối với hộ kinh doanh.

Huyện Nghi Lộc đã thẩm định, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ cho 333 doanh nghiệp với số kinh phí 705.724.778 đồng (chính sách giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp); tiếp nhận được 115 hồ sơ hỗ trợ hộ kinh doanh với số tiền 345.000.000 đồng và trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét. Các chính sách khác chưa được thực hiện trên địa bàn đối với doanh nghiệp gồm: chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

ban-van-hoa-xa-hoi-hdnd-tinh-lam-viec-voi-ubnd-huyen-nghi-loc-ve-viec-thuc-hien-chinh-sach-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-anh-huong-boi-dich-covid-19.jpg
Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện Nghi Lộc về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Trao đổi làm rõ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của Nghị quyết số 68/NQ-CP, đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho rằng trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp còn có nhiều khó khăn, vướng mắc như: căn cứ để xác minh thời gian nghỉ không sản xuất kinh doanh để xác định mức hỗ trợ; khó khăn trong việc xem xét hỗ trợ đối với doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh nhưng vẫn nằm trong danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động khi địa phương áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg; khó khăn trong việc xác nhận thời gian tạm ngừng, tạm hoãn công việc của người lao động.

Ông Nguyễn Đàm Văn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Văn Minh, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng có nhiều quy định khó triển khai thực hiện trong thực tế như: việc tiếp cận nguồn vốn vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do quy định phải có thông báo quyết toán thuế, như vậy phải tổ chức thanh tra thuế, trong khi đó Trung ương quy định không kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh trừ các doanh nghiệp có yếu tố vi phạm về thuế; quy định thời gian tạm hoãn, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 3 tháng đến 6 tháng nhưng trong 3 tháng hoặc 6 tháng đó doanh nghiệp không được biến động về lao động mới được hưởng chính sách theo quy định.

tiep-can-von-vay-tai-ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi.jpg
Tiếp cận vốn vay tại Ngân hàng chính sách xã hội

Làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ông Vũ Xuân Long, Phó Chánh Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 đã cơ bản khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và đề nghị địa phương cập nhật, nắm rõ các quy định mới để kịp thời triển khai thực hiện.

Phát biểu kết luận về nội dung này, ông Chu Đức Thái - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị huyện Nghi Lộc nắm bắt các quy định có liên quan nhất là quy định mới trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp để triển khai thực hiện và quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp làm thủ tục, hồ sơ hưởng các chính sách theo đúng quy định./.

Nguyễn Thị Vân

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh