Liên hệ với cử tri chính là nhịp cầu đại biểu dân cử phải bắc để nối liền cử tri với Nhà nước, qua đó những ý kiến, đóng góp của cử tri được chuyển tải đến chính quyền, còn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì đến được với cử tri, tạo đồng thuận và vận động, thuyết phục cử tri tham gia thực hiện. Cũng chính nhờ nhịp cầu này, hoạt động của cơ quan dân cử ngày càng thiết thực, thời sự, gắn với nhịp sống của xã hội nhiều hơn. Để gắn kết hơn những "nhịp cầu dân cử” là cả quá trình dấn thân với cái tâm, lòng nhiệt huyết của đại biểu và không thể thiếu được những kỹ năng cần thiết: Nghe dân nói, nói dân hiểu và quan trọng hơn là phải làm cho dân tin.

Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đại biểu nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật và tham gia vào việc quản lý nhà nước. Để thực hiện được trọng trách này, giữa đại biểu và Nhân dân phải tìm được tiếng nói chung, sự đồng cảm lắng nghe và thấu hiểu.

20220101063859gan-ket-hon.jpg
Để gắn kết hơn những nhịp cầu dân cử là cả quá trình dấn thân với cái tâm, lòng nhiệt huyết của đại biểu Ảnh: Bình Nguyên

Không chỉ lắng nghe và còn phải biết trăn trở

Là người đại diện của dân, kỹ năng đầu tiên của đại biểu là nghe dân nói. Trên thực tế, không ít đại biểu đã thực hiện chức năng này đúng theo nghĩa đen của nó - nghĩa là tại các cuộc TXCT, đại biểu chỉ đơn giản ngồi nghe đầy đủ những ý kiến, kiến nghị của cử tri rồi ra về, việc thu thập, tổng hợp những ý kiến đó đã có Thư ký hội nghị và chuyên viên HĐND chịu trách nhiệm; đến buổi họp Tổ đại biểu để đóng góp, bổ sung vào Bảng tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri cũng không có ý kiến gì. Dẫn đến tình trạng đôi khi, thư ký tổng hợp ghi nhận không đầy đủ, không rõ hoặc không đúng ý cử tri, gây khó khăn cho việc xem xét, giải quyết, từ đó không đáp ứng được mong đợi của cử tri. Đây là tình trạng chung ở một số địa phương nhiều nhiệm kỳ qua.

Kỹ năng nghe dân nói của đại biểu không thể là như thế, bởi lẽ pháp luật đã quy định và đặc biệt cử tri mong đợi nhiều hơn thế ở người đại diện của mình: TXCT là để đại biểu lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, bức xúc của cử tri để yêu cầu, đôn đốc cơ quan chức năng giải quyết kịp thời; để thu thập thông tin giải trình những thắc mắc của cử tri. Nghe dân nói không chỉ đơn thuần là lắng nghe mà đòi hỏi đại biểu phải biết trăn trở, không vô cảm trước bức xúc của cử tri và đau đáu khi những vấn đề của cử tri chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Là người đại diện của cử tri, đại biểu còn học cả cách lắng nghe bằng trái tim, đặt mình vào vị trí cử tri để thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm sâu sắc với những vấn đề đặt ra để cùng tìm cách giải quyết có hiệu quả.

Kỹ năng nghe dân nói không chỉ thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu mà còn là tài sản quý của cử tri tin tưởng giao cho đại biểu. Trong khối tài sản đó, có tâm tư, nguyện vọng cử tri gửi gắm cho người đại diện của mình; có những vấn đề, nhu cầu thực tiễn đang đặt ra cho đất nước, cho địa phương làm hành trang cho đại biểu mang vào phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp; có những thông tin cần thiết để đại biểu thực hiện chức năng giám sát, chất vấn và quyết định... Suy cho cùng, người thụ hưởng từ việc “nghe dân nói” chính là đại biểu - nhờ kênh thông tin quan trọng này, đại biểu có cơ sở thực tiễn, có nhiều thuận lợi để thực hiện hiệu quả vai trò, trách nhiệm pháp luật đã quy định, cử tri và Nhân dân tin tưởng gửi gắm.

Nói nội dung cần nghe, trả lời nội dung cử tri quan tâm

Cùng với kỹ năng nghe dân nói, kỹ năng thứ hai nhất thiết đại biểu dân cử phải có là nói cho dân hiểu.

Trước hết là việc trình bày báo cáo tại Hội nghị TXCT. Đề cương báo cáo tại hội nghị TXCT thường được cơ quan tham mưu, giúp việc cung cấp, yêu cầu đặt ra là đại biểu sử dụng các nội dung đó như thế nào cho thích hợp. Trên thực tế, một số đại biểu chưa nghiên cứu kỹ đề cương báo cáo và nắm bắt tình hình thực tế nên hầu như chỉ trình bày nguyên văn nội dung báo cáo đã được cơ quan tham mưu chuẩn bị trước, chưa báo cáo ngắn gọn, súc tích, chưa có điểm nhấn đối với những vấn đề cử tri quan tâm theo từng địa bàn, từng nhóm đối tượng tiếp xúc… gây mất thời gian và làm cử tri dễ nhàm chán. Để thu hút được cử tri lắng nghe, đại biểu phải gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để linh hoạt lựa chọn những nội dung báo cáo tại cuộc tiếp xúc cho phù hợp với từng đối tượng cử tri, nói trúng những vấn đề cử tri thực sự quan tâm.

Chưa kể, với sự phát triển mạnh mẽ các kênh thông tin như hiện nay, cử tri dễ dàng có được những thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, về hoạt động của đại biểu, về kết quả kỳ họp… Do đó, đại biểu không cần và không nên nói lại những điều cử tri đã biết mà phải chắt lọc để cung cấp cho cử tri những thông tin mới hơn, sâu hơn. Bởi lẽ, kỹ năng “nói” của đại biểu không chỉ là nói cho dân nghe mà phải làm cho dân hiểu (đi sâu phân tích những nguyên nhân thành công, hạn chế trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; giải trình lý do cơ quan dân cử ban hành quyết sách, quyết định và mối quan hệ giữa các quyết sách đó với lợi ích của cử tri…). Từ đó, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, vận động, thuyết phục cử tri tham gia thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như những quyết sách cụ thể của địa phương.

Đặc biệt, việc giải trình những ý kiến, kiến nghị của cử tri luôn là nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri tại các cuộc tiếp xúc. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của cử tri, một số đại biểu vẫn chỉ phụ thuộc vào văn bản trả lời hoặc sự tham dự của cơ quan chuyên môn. Mặc dù pháp luật quy định tại Hội nghị TXCT, đại diện UBND, cơ quan, tổ chức hữu quan trả lời những vấn đề cử tri nêu lên thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Tuy nhiên, trách nhiệm TXCT là của đại biểu, sự tham gia của sở, ngành là hỗ trợ. Đại biểu cần chủ động thu thập các thông tin, chủ trương, chính sách pháp luật, trên cơ sở dự báo những vấn đề cử tri quan tâm tại địa bàn đại biểu ứng cử để có thể tự mình trả lời ý kiến cử tri ngay tại cuộc tiếp xúc.

Nhiệt tâm trong giải quyết những vấn đề cử tri đặt ra

Cuối cùng, trong chuỗi “mắt xích” thể hiện cái tâm và tầm của đại biểu dân cử là làm cho dân tin - tin vào vai trò đại diện của bản thân đại biểu, tin vào bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Lắng nghe những điều cử tri muốn nói, nói những điều cử tri muốn nghe và phải là người đại diện tận tụy, nhiệt tâm trong giải quyết những vấn đề cử tri đặt ra. Mặc dù đại biểu không có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri nhưng có trách nhiệm phản ánh, đeo bám, theo đuổi đến cùng vấn đề để có câu trả lời thỏa đáng cho cử tri; để những vấn đề liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần của cử tri được chăm lo tốt hơn. Qua đó, ngày càng củng cố niềm tin của cử tri vào hoạt động của bộ máy chính quyền.

Có thể khẳng định, liên hệ với cử tri chính là nhịp cầu đại biểu dân cử phải bắc để nối liền cử tri với nhà nước, qua đó những ý kiến, đóng góp của cử tri được chuyển tải đến chính quyền, còn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với cử tri, tạo sự đồng thuận và vận động, thuyết phục cử tri tham gia thực hiện. Cũng chính nhờ nhịp cầu này, hoạt động của cơ quan dân cử ngày càng thiết thực, thời sự và gắn với nhịp sống của xã hội nhiều hơn. Để gắn kết hơn những "nhịp cầu dân cử” là cả quá trình dấn thân với cái tâm, lòng nhiệt huyết của đại biểu trên con đường dân cử. Trong đó, không thể thiếu được những kỹ năng cơ bản: Nghe dân nói, nói dân hiểu và quan trọng hơn là phải làm cho dân tin.

NGUYỄN NHẬT