Luật Quy hoạch có lẽ là đạo luật chậm đi vào cuộc sống nhất bởi cho đến thời điểm này, trong 4 quy hoạch cấp quốc gia (gồm: quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch ngành quốc gia), mới chỉ có duy nhất quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua.

Với quy hoạch ngành quốc gia, hiện mới chỉ có 4/38 quy hoạch được phê duyệt, 14/38 quy hoạch đã lập xong, lấy ý kiến, trình thẩm định (trong đó có 3 quy hoạch đã được tổ chức thẩm định xong; 1 quy hoạch đang trình thẩm định). Như vậy, tất cả các quy hoạch ngành quốc gia đều được phê duyệt chậm hơn thời hạn ngày 31.12.2020 theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 5.2.2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch. Quy hoạch vùng cũng trong tình trạng chậm trễ tương tự khi đến nay chưa có quy hoạch nào được phê duyệt, mới chỉ có quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức lập và được Hội đồng thẩm định thông qua còn quy hoạch của 5 vùng còn lại vẫn chưa xong nhiệm vụ lập quy hoạch.

“Tiến bộ” hơn về tiến độ là quy hoạch tỉnh khi đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành lập, trình thẩm định và được Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh. Nhưng tính đến ngày 11.1.2022 cũng mới chỉ có 2 quy hoạch tỉnh của Bắc Giang, Hà Tĩnh được thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình Thủ tướng phê duyệt; 3 quy hoạch tỉnh đã lập xong, trình thẩm định; 7 quy hoạch tỉnh đã gửi xin ý kiến và đang hoàn thiện để trình thẩm định. Dự kiến đến hết quý I.2022 sẽ có thêm nhiều quy hoạch tỉnh được lập xong và gửi xin ý kiến, trình thẩm định. Dù vậy, việc lập quy hoạch tỉnh của cả 63 địa phương đều chậm đến 2 năm so với yêu cầu tại Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Với vai trò là một động lực quan trọng cho sự phát triển, quy hoạch phải đi trước một bước. Nhưng với sự chậm trễ từ 1 đến 2 năm và có thể sẽ còn chậm hơn nữa của các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thật khó có thể lượng hoá được bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu lợi ích của quốc gia, của vùng, của tỉnh đã bị bỏ lỡ và cả bị kìm hãm, cản trở.

Chính vì thế, một yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội nhiều lần quán triệt không chỉ với Đoàn giám sát của Quốc hội mà còn với cả các bộ, ngành là “phải tập trung, phối hợp làm cho tốt”, giám sát “phải làm đến nơi đến chốn, có kết luận rõ ràng, minh bạch, phải quy được trách nhiệm cụ thể, cá thể hoá trách nhiệm của tập thể, cá nhân”. Đơn cử như với việc văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, phải đánh giá rất chi tiết hệ thống danh mục gồm những văn bản nào; thời hạn nào phải hoàn thành; thực tế tổ chức biên soạn và ban hành như thế nào cả về tiến độ và chất lượng bởi ngay cả với những văn bản ban hành đúng thời hạn nhưng nếu chất lượng không bảo đảm thì chẳng những không tạo điều kiện mà còn gây khó khăn hơn cho công tác quy hoạch… Phải chi tiết hóa từng vấn đề như vậy để cá thể hoá trách nhiệm của Chính phủ, các bộ liên quan, làm căn cứ để yêu cầu giải trình đến cùng trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước. Phải quyết liệt như thế là bởi nếu giám sát “5 sôi, 3 lạnh”, đánh giá chung chung ưu điểm thế này, nhược điểm thế kia thì “Quốc hội, cử tri và Nhân dân sẽ không chấp nhận”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.

Ngay sau khi Quốc hội lựa chọn “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công tác quy hoạch trên thực tế đã có những chuyển biến tích cực. Dù là bước đầu nhưng điều đó đã cho thấy hiệu lực giám sát của Quốc hội trong việc thúc đẩy xử lý các vấn đề nóng bỏng của đất nước.

Bắt đầu từ hôm nay, 1.3, Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ làm việc cụ thể với các Bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư. Số lượng các bộ làm việc không nhiều nhưng đã được Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn lọc kỹ lưỡng, xác định cụ thể, chi tiết những vấn đề trọng tâm phải làm rõ với từng bộ, ngành. Một khối lượng công việc rất lớn sẽ phải được Đoàn giám sát tập trung cao độ xem xét, đánh giá, truy đến cùng tại các cuộc làm việc này để giúp Quốc hội “bắt trúng bệnh”, “kê đúng thuốc” và gỡ cho được những nút thắt trong công tác quy hoạch hiện nay.

“Cử tri và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đều đang trông đợi vào giám sát của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý với Đoàn giám sát và lãnh đạo các bộ, ngành tại Phiên họp thứ Tám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hơn cả một lời nhắc nhở, đó còn là yêu cầu về trách nhiệm và hiệu lực giám sát của Quốc hội bởi “Quốc hội giám sát càng sát bao nhiêu, càng hiệu lực bao nhiêu thì càng tạo điều kiện cho Chính phủ, các bộ, ngành làm tốt bấy nhiêu. Mục tiêu là làm cho mọi thứ tốt hơn, vì sự phát triển của đất nước”.

Hải Lam