Chưa được cấp “bìa đất”

Ngày đầu tháng 5, chúng tôi gặp chị Vi Thị Lan (45 tuổi, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương) khi người phụ nữ này đang chăm sóc đồi chè gần nhà. Đây chính là sinh kế duy nhất của cả gia đình chị Lan kể từ khi chuyển từ Tương Dương xuống tái định cư. Vất vả chăm sóc, nhưng giá chè thường bấp bênh, thu nhập của gia đình cũng chẳng là bao. Vì vậy, nhiều năm qua gia đình chị Lan cũng như nhiều hộ dân khác ở đây vẫn mong chờ khoản tiền đền bù chênh lệch giữa đất nơi đi và nơi đến.

“Hầu như cuộc họp, cuộc tiếp xúc cử tri nào cũng có người dân hỏi. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Không biết có không nữa. Nếu không có thì cũng phải tính toán, để trả lời cho người dân được biết”, chị Lan nói.

bna-a4-6993.jpg

Đồi chè gần nhà chị Lan. Ảnh: Tiến Hùng

Hơn 15 năm trước, để lấy đất xây dựng thủy điện Bản Vẽ, 4 xã của huyện Tương Dương đã bị xóa sổ, 2.910 hộ dân bản địa thuộc diện phải di dời. Trong đó, hầu hết được chính quyền bố trí đất, lập 2 xã mới ở huyện Thanh Chương là Ngọc Lâm và Thanh Sơn để chuyển các hộ dân về đây. Theo tìm hiểu của phóng viên, có 236 hộ sau đó có nguyện vọng được di dân tự do, nên đã được thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất đai. Còn 2.674 hộ chuyển về khu tái định cư ở Ngọc Lâm và Thanh Sơn đến nay vẫn chưa được thực hiện công tác bồi thường giá trị chênh lệch về đất nơi đi và nơi đến.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tương Dương, vướng mắc chủ yếu là do tại các khu tái định ở huyện Thanh Chương chưa hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên chưa có số liệu tính bù trừ chênh lệch giá trị về đất nơi đi, nơi đến. Thậm chí công tác chia đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Còn theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Chương, thì do chưa hoàn thành công tác rà soát, cân đối lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, mà trước đây đã chia cho các hộ và do sau khi rà soát có diện tích đất các hộ thực tế đang sử dụng sai, khác nhiều so với hồ sơ chia đất trước đây nên công tác chia đất phục vụ kê khai cấp GCNQSD đất chưa thực hiện được. Sau khi hoàn thành chia đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới tiến hành cân đối diện tích giữa nơi đi và nơi đến, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

bna-a3-5043.jpg

Xã tái định cư Ngọc Lâm. Ảnh: T.H

Chậm đền bù do không thống nhất phương án đối trừ

Tương tự, tại huyện Quế Phong, để lấy đất xây dựng thủy điện Hủa Na, năm 2008, nhiều hộ dân cũng buộc phải di dời đến khu tái định cư. Hủa Na và Bản Vẽ là 2 thủy điện lớn nhất tỉnh Nghệ An, có số hộ dân phải di dời lên đến hàng nghìn. Tuy nhiên, đến nay đã 15 năm trôi qua, gần 900 hộ dân nơi đây vẫn mòn mỏi chờ tiền đền bù chênh lệch giữa nơi đi và nơi đến.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân của sự chậm trễ này là do 887 hộ thuộc diện di dời theo dự án phải thực hiện đối trừ. Tuy nhiên, do vướng mắc về phương án tính đối trừ nên đến nay vẫn chưa được hoàn thành. Cụ thể, quan điểm của chủ đầu tư là áp phương án tính đối trừ tổng đất nông nghiệp nơi đi và nơi đến của cả hộ. Còn quan điểm của UBND huyện Quế Phong là áp phương án tính đối trừ từng loại đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất sản xuất lâm nghiệp...).

Lãnh đạo UBND huyện cho hay, nếu áp theo phương án tính của huyện, tổng số tiền đền bù các hộ dân nhận được ước tính gần 40 tỷ đồng.

bna-a1-7191--n1.jpg

Khu tái định cư thủy điện Hủa Na. Ảnh: Tiến Hùng

Để giải quyết nội dung trên, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị hướng dẫn thực hiện. Ngày 12/7/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 3787/BTNMT - TCQLĐĐ trả lời; trên cơ sở đó, UBND tỉnh có Công văn số 4850/UBND - CN ngày 14/7/2021 giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Quế Phong triển khai thực hiện. Ngày 09/11/2022, UBND tỉnh có Công văn số 8891/UBND-CN về việc xử lý giá đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến khi thực hiện dự án thuỷ điện; trong đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Quế Phong căn cứ nội dung đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường và các quy định pháp luật liên quan để triển khai thực hiện đúng theo quy định, không để ảnh hưởng đến quyền lợi theo quy định của người có đất thu hồi và không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện tránh làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, cách xử lý chênh lệch giữa nơi đi và nơi đến sẽ thực hiện theo phương án xử lý chênh lệch đối trừ theo tổng giá trị đất nông nghiệp để đảm bảo theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo sự thống nhất với các dự án thủy điện khác trên cả nước. Tuy nhiên, sau đó UBND huyện Quế Phong vẫn không triển khai thực hiện và đề nghị UBND tỉnh có văn bản cụ thể.

bna-a2-6414.jpg

Người dân vùng tái định cư mòn mỏi chờ tiền đề bù chênh lệch suốt 15 năm nay. Ảnh: Tiến Hùng

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trước nhiều tồn tại, vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, mới đây UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác để giải quyết. Ngày 19 -21/4/2023, Tổ công tác do Giám đốc Sở Công Thương làm tổ trưởng đã tổ chức đi kiểm tra thực địa và làm việc với UBND huyện Quế Phong, UBND huyện Tương Dương và các chủ đầu tư thủy điện đối với các nội dung còn tồn tại, vướng mắc liên quan đến các dự án thủy điện Bản Vẽ, Hủa Na và Khe Bố.

Liên quan đến đền bù chênh lệch giữa nơi đi và nơi đến của thủy điện Hủa Na, tổ công tác đã đề nghị UBND huyện Quế Phong chủ trì phối hợp với Công ty CP Thuỷ điện Hủa Na lập phương án xử lý cụ thể chi tiết cho từng nội dung đối với từng nhóm, từng đối tượng cụ thể (đối tượng thu hồi đất; đối tượng không thu hồi đất, đối tượng xử lý đất rừng…), gửi Sở Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến đối với từng nội dung trước khi lấy ý kiến người dân trước ngày 20/5/2023. Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Quế Phong tháo gỡ các vướng mắc để sớm hoàn thiện phương án cụ thể.

Còn đối với các hộ dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ, trách nhiệm chính thuộc chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ và địa phương hai huyện Thanh Chương và Tương Dương chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan để thực hiện theo quy định của pháp luật. Sau khi trực tiếp kiểm tra và làm việc với các bên liên quan, Tổ công tác đề nghị, đối với các hộ dân đã hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai tại huyện Thanh Chương và không thuộc đối tượng đất trên cốt ngập của dự án thủy điện Bản Vẽ, đề nghị Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thủy điện Bản Vẽ lập phương án bồi thường chênh lệch nơi đi, nơi đến cho các hộ dân. Hoàn thành trong quý II/2023.

Đối với các hộ dân đang vướng mắc liên quan đến huyện Thanh Chương, đề nghị Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thủy điện Bản Vẽ tiếp tục phối hợp với UBND huyện Thanh Chương để tổng hợp và có kế hoạch hoàn thiện phương án. Thời gian tới, Tổ công tác sẽ tiếp tục làm việc với UBND huyện Thanh Chương để kiểm tra, đôn đốc nội dung này.

Tiến Hùng