Phản ánh từ cơ sở

Cách trường học khoảng 12 km, hàng ngày chị Nguyễn Thị Lưu (cô nuôi tại Trường Mầm non Lục Dạ, huyện Con Cuông) rời nhà 6 giờ sáng và cuối buổi chiều mới về nhà. Tuần 5 ngày, từ thứ 2 đến thứ 6 đều đặn hành trình như vậy. Chị Lưu tâm sự: 3 cô nuôi phục vụ 165 cháu ăn bán trú. Chỉ phục vụ các cháu 2 bữa, bữa trưa và buổi xế chiều, nhưng từ khi đến trường đến khi về là làm việc liền tay không nghỉ. Sáng sớm đến trường dọn dẹp, chuẩn bị thực phẩm, nấu nướng đến 10h30 phút là chia thức ăn cho các cháu; sau đó dọn dẹp để chuẩn bị cho bữa ăn chiều vào 2 giờ rưỡi và rửa dọn, chăm sóc rau trồng phục vụ một phần cho giáo viên, học sinh bán trú. Ở các năm học trước, chế độ hàng tháng được nhà trường hợp đồng chi trả 3 triệu đồng/tháng. Nhưng bước vào năm học 2021 - 2022 này, do thực hiện các quy định mới nên các cô nuôi chỉ được nhận có 1,5 triệu đồng/tháng, trong khi đó thời gian gần như dành trọn vẹn cho công việc ở trường học nên không thể làm thêm gì để cải thiện tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống gia đình.

co-nuoi-phuc-vu-bua-an-cho-tre-tai-diem-truong-le-thuoc-truong-mam-non-luc-da-huyen-con-cuong.jpg
Các cô nuôi Trường Mầm non Hương Tiến (xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương) chuẩn bị thức ăn cho bữa chính của các cháu

Cũng phán ánh về vấn đề mức hưởng chế độ cô nuôi, chị La Thị Hồng, ở Trường Mầm non Hương Tiến (xã Ngọc Lâm, huyện Thanh) cho biết, từ hưởng 3,2 triệu đồng/tháng/người; nay cô nuôi chỉ được hưởng 2,4 triệu đồng/tháng/người, giảm 1,1 triệu đồng/tháng/người. Điều quan trọng là mức hưởng đó chưa tương xứng với công sức mà các cô nuôi bỏ ra và chưa đảm bảo mặt bằng công lao động tại địa phương.

Bên cạnh phản ánh của cá nhân, đại diện một số trường học cũng trăn trở, kiến nghị đến các cấp, các ngành nghiên cứu, tháo gỡ bất cập về chính sách cô nuôi hiện nay. Cô giáo Diên Thị An - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lục Dạ, huyện Con Cuông, cho biết: Hiện tại trường có 5 điểm trường với tổng 390 cháu, trong đó có 2 nhóm trẻ và 13 lớp mẫu giáo. Theo Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về định mức, cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo được ký 1 hợp đồng lao động nấu ăn, cho nên tại điểm trường chính với quy mô 165 cháu, nhà trường bố trí 3 cô nuôi và 4 điểm còn lại bố trí 5 cô nuôi. Như vậy hiện nay, Trường Mầm non Lục Dạ hợp đồng 8 cô nuôi; trong khi đó, theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, ngày 18/9/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, thì chỉ cho phép bố trí không quá 5 cô nuôi/trường.

Bên cạnh bất cập về quy định số lượng cô nuôi so với thực tế, cô giáo Diên Thị An cũng cho rằng, chế độ chính sách đối với cô nuôi cũng bất cập. Trước đây, khi chưa có Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, nghĩa là chưa có sự hỗ trợ từ Nhà nước, tối thiểu 2,4 triệu đồng/người/tháng, thì tiền chi trả cho các hợp đồng nấu ăn được huy động 100% từ sự thoả thuận của phụ huynh với mức trả 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng tuỳ theo điểm trường. Và khi có Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, nhà trường chỉ huy động phụ huynh đóng góp thêm phần còn thiếu để đảm bảo mức chi trả cho cô nuôi. Tuy nhiên, ngày 13/12/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 31/2020/NQ-HĐND không cho phép các trường đã được hưởng theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP được thu tiền từ phụ huynh để thuê khoán người nấu ăn, cho nên trường không có cơ sở để thu thêm từ phụ huynh để trả cho cô nuôi. Từ chính sách theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP với định mức 5 cô nuôi và mỗi định mức là 2,4 triệu đồng/tháng, mỗi tháng, Trường mầm non Lục Dạ được nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng. Số tiền này được chia cho 8 cô nuôi, mỗi cô là 1,5 triệu đồng.

9844e308afed64b33dfc.jpg
Ngoài nấu ăn, các cô nuôi ở Trường Mầm non Lục Dạ, huyện Con Cuông còn trồng và chăm sóc rau xanh phục vụ cho các cháu

Thực tiễn ở Trường mầm non Lục Dạ cũng đang là tình trạng chung của nhiều trường học thuộc khu vực đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tại Trường mầm non Hương Tiến (xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương) hiện có 5 điểm trường và số cô nuôi cũng đang bố trí 6 người, vượt 1 định mức theo quy định. Cô giáo Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trường nhà trường cho rằng, nếu quy định về chế độ cho cô nuôi như hiện nay thì khó giữ người lao động và nhà trường cũng chưa có cách gì để tháo gỡ.

Cần kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ

Đặc thù ở vùng miền núi đặc biệt khó khăn dân cư bố trí không tập trung, địa hình lại hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn; cho nên các trường học mầm non ở vùng này đều phải bố trí nhiều điểm trường lẻ. Do khoảng cách giữa các điểm trường xa nhau nên mặc dù không đảm bảo về quy mô số cháu theo quy định để bố trí cô nuôi, nhưng nhiều trường vẫn bố trí cô nuôi ở các điểm lẻ, dẫn đến số cô nuôi ở nhiều trường vượt quy định. Như ở huyện Con Cuông có 9 trường mầm non nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có 5 trường bố trí cô nuôi lớn hơn 5 theo định mức. Hay huyện Quỳ Hợp có 14 trường, nhưng số cố nuôi hiện có 73 người, vượt 3 người. Hoặc Kỳ Sơn có 23 trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn với 155 điểm trường lẻ, trong đó có một số trường cũng bố trí cô nuôi vượt quy định… Đây cũng là thực tiễn được các huyện phản ánh và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2020/NĐ-CP sát với thực tế.

Bên cạnh đề xuất điều chỉnh định mức số lượng cô nuôi ở mỗi trường thì các địa phương cũng kiến nghị các cấp cần nghiên cứu tháo gỡ trong việc chi trả chế độ cô nuôi để đảm bảo cuộc sống tối thiểu và mặt bằng lao động hiện nay. Theo ông Hồ Bình Minh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Quỳ Hợp, với số lượng cô nuôi được bố trí và mức chi trả lương 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng trên thực tế lâu nay ở địa phương so với mức hỗ trợ theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP thì số kinh phí tạm tính trong 8 tháng của năm học 2021 - 2022 đang còn thiếu là hơn 1 tỷ đồng.

Từ bất cập về chế độ chính sách đối với cô nuôi ở vùng đặc biệt khó khăn mà theo phản ánh của một số địa phương là hiện người lao động đang nảy sinh tư tưởng không muốn làm việc và hợp đồng mới thì càng khó khăn. Về phía các nhà trường cũng đưa ra phương án, nếu các cấp không tháo gỡ thì sẽ cho dừng việc tổ chức bán trú cho trẻ, mà nếu việc này xảy ra thì thiệt thòi lại rơi vào các cháu bởi sẽ khó đảm bảo chất lượng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng.

Đề xuất về phương án giải quyết, theo ông Lê Thanh An - Trưởng phòng Giáo dục huyện Con Cuông cho rằng, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP chỉ đề cập đến hỗ trợ, cho nên khoảng bù đắp phần còn thiếu so với mức mà cô nuôi được trả lương lâu nay có thể xử lý theo 2 hướng. Thứ nhất là có thể sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 31/2020/NQ-HĐND cho phép các trường huy động phụ huynh đóng góp để hỗ trợ thêm cho cô nuôi theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân” cùng làm. Thứ hai tỉnh cần ban hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho cô nuôi.

2f0a332579c0b29eebd1.jpg
Cô nuôi phục vụ bữa ăn cho trẻ tại Trường Mầm non Lục Dạ, huyện Con Cuông

Thực tiễn bất cập này đã được Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An nắm bắt và ngày 10/11/2021, Sở đã ban hành công văn số 2344/GD&ĐT-KHTC do Phó Giám đốc Đào Công Lợi ký gửi các huyện, thị xã yêu cầu rà soát, báo cáo những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện chính sách cô nuôi theo các quy định hiện hành để có cơ sở tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ. Đây là động thái rất kịp thời của Sở Giáo dục - Đào tạo và hy vọng khó khăn, bất cập từ thực tiễn sớm được giải quyết, đảm bảo cuộc sống cho các nhân viên nấu ăn và ổn định ở các trường học.

MAI HOA