Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp gồm 3 cụm nội dung. Một là, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Hai là, thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết, pháp lệnh. Ba là, thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ này gồm: giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Những ngày này, xuất khẩu gạo và an ninh lương thực là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm. Điều hành sản xuất, xuất khẩu gạo như thế nào để vừa mang lại lợi ích cao nhất cho nông dân, doanh nghiệp, vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh tương lai khó đoán định - là câu hỏi không dễ nhưng buộc phải có câu trả lời.

Tương tự, nhiệm vụ gỡ thẻ vàng IUU cũng rất cấp bách khi Đoàn thanh tra của EC dự kiến sang nước ta kiểm tra vào tháng 10 tới đây. Hành trình gỡ thẻ vàng IUU đã bước sang năm thứ 6 với rất nhiều nỗ lực và “hạn chót” được đưa ra nhưng vẫn chưa trở thành hiện thực. Từ khi bị EC rút thẻ vàng IUU, thủy hải sản nước ta xuất khẩu sang EU đều bị kiểm soát 100%, thay vì kiểm tra xác suất. Điều này khiến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp đội lên rất lớn. Trường hợp bị rút thẻ đỏ, ngành thủy sản có thể mất gần 500 triệu USD mỗi năm từ thị trường EU. Đằng sau con số này là sinh kế của hàng triệu nông dân và doanh nghiệp, nó thực sự đáng suy nghĩ khi “giờ G” đã tới rất gần mà các vi phạm IUU vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trong khi đó, những vấn đề đặt ra với Bộ trưởng Bộ Tư pháp không chỉ hữu ích với người dân, doanh nghiệp mà còn giúp ích rất nhiều cho các hoạt động của Quốc hội và Chính phủ. Ví dụ, phiên chất vấn có thể sẽ cung cấp những thông tin đáng quý cho Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cho cả Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo Quốc hội nội dung này trong Kỳ họp vào tháng 10 tới.

Hoặc, sau một nửa nhiệm kỳ, Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt 81,8%. Kết quả tích cực này đã góp phần quan trọng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển. Tuy nhiên, trong công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn một số hạn chế và phiên chất vấn tới đây được kỳ vọng sẽ tìm ra những giải pháp khẩn trương khắc phục để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả xây dựng pháp luật.

Liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng chính sách. Hậu quả của tham nhũng chính sách rất dễ thấy nhưng hành vi tham nhũng chính sách lại không dễ chặn, bởi cần có chuyên môn để nhìn ra sự “cài cắm” - vốn được “ngụy trang” bởi những biện minh về yêu cầu quản lý nhà nước rất dễ xuôi tai. Kể cả nhìn ra rồi, sức mạnh của các nhóm lợi ích, sự nhằng nhịt trong các mối quan hệ lợi ích giữa các cơ quan làm chính sách, quyết định chính sách đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị lớn để xử lý. Vì vậy, phiên chất vấn có thể gợi mở những giải pháp hiệu quả giúp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ và cả những việc Quốc hội, với chức năng và quyền hạn của mình, có thể làm để đóng góp to lớn trong cuộc chiến này.

Giám sát là một trong ba chức năng của Quốc hội, cùng với lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong bối cảnh Quốc hội họp toàn thể 1 năm 2 lần, vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thường xuyên tổ chức các phiên chất vấn là đặc biệt quan trọng để giúp thực hiện tốt chức năng giám sát của Quốc hội. Vì vậy, kỳ vọng của cử tri vào phiên chất vấn này chắc chắn sẽ lớn như các phiên chất vấn trên hội trường.