ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

QUYẾT NGHỊ:

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần khoa học, đổi mới, dân chủ, xây dựng và trách nhiệm cao, phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV đã diễn ra rất sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri, Nhân dân cả nước và đã thành công tốt đẹp.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất “đúng” và “trúng”, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, Nhân dân cả nước. Các vị đại biểu Quốc hội thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, nghiên cứu kỹ tài liệu, bám sát thực tiễn và lĩnh vực được chất vấn, đặt các câu hỏi và tranh luận có chất lượng. Các vị Bộ trưởng thể hiện tinh thần trách nhiệm, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, thẳng thắn, giải trình làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề tồn tại nhiều năm; đồng thời, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp cụ thể, có tính khả thi để khắc phục các vấn đề bất cập, vướng mắc, giải quyết các tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý đã được chỉ ra trong quá trình chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Tư pháp đã tham gia trả lời, giải trình, làm rõ thêm nhiều vấn đề các đại biểu Quốc hội chất vấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Cụ thể:

2.1. Đối với lĩnh vực công thương

Xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể, rõ ràng và thực hiện quyết liệt để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối cung cầu xăng, dầu trong mọi tình huống. Có giải pháp tổng thể, căn cơ, kịp thời giải quyết những vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh. Nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu; thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu. Tiếp tục điều hành giá xăng, dầu, bám sát diễn biến giá thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân. Kết hợp việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với công cụ thuế và các công cụ khác để bình ổn thị trường; trường hợp giá xăng, dầu tăng cao, thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn (như ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp…). Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh xăng, dầu, rà soát điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… phù hợp với thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý, điều hành thị trường xăng, dầu; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng nói chung và xăng, dầu nói riêng.

Tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Quốc hội trong công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là giữa lực lượng quản lý thị trường với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng như công an, biên phòng, cảnh sát biển, hải quan và thanh tra chuyên ngành, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lẩn tránh, gian lận xuất xứ ngay từ tuyến biên giới, trên đường biển, đường bộ, hàng không, nhất là đối với các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, xây dựng lực lượng quản lý thị trường thật sự trong sạch, vững mạnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực khi thực thi nhiệm vụ. Đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra sai phạm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu. Đa dạng các hình thức truyền thông, tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng và phát hiện, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực đó. Trong năm 2022, ban hành đề án chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính; ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Xây dựng các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu để thực hiện trên toàn quốc, làm cơ sở cho việc đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử; đẩy mạnh kiểm soát hoạt động thương mại điện tử để ngăn chặn, xử lý việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn, lậu thuế. Rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại. Tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tăng cường hợp tác quốc tế về thương mại, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nhất là các mặt hàng nông sản. Có chính sách, giải pháp giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa, nhất là hàng nông sản tại các cửa khẩu và đẩy nhanh việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch với lộ trình thực hiện cụ thể. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán các Nghị định thư với Trung Quốc để giảm tỷ lệ, thời gian nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Phòng, chống các hành vi tiêu cực trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Thường xuyên cập nhật thông tin tình hình trong nước và quốc tế để người dân, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng hóa vận chuyển lên các cửa khẩu. Phối hợp với các địa phương và Hiệp hội ngành hàng trong công tác thông tin thị trường, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu. Chú trọng phát triển thị trường trong nước, vận động hệ thống phân phối tập đoàn bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh thu mua, chế biến, tiêu thụ trong chuỗi cung ứng, chú trọng giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

2.2. Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các luật có liên quan bảo đảm căn cứ chính trị, phù hợp với thực tiễn để thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng khi mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai. Hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất, các quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan; nhất là các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, tỷ lệ tiền đặt trước, tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường; có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.

Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các chỉ tiêu sử dụng đất đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ cho từng địa phương, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tỷ lệ che phủ rừng và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Việc lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải gắn với năng lực thực hiện. Kiên quyết thu hồi đất của các nhà đầu tư hạ tầng không có năng lực, để chậm tiến độ nhằm sử dụng có hiệu quả đất khu công nghiệp để tạo môi trường đầu tư lành mạnh. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 (trong đó, quan tâm rà soát, phân bổ chỉ tiêu đất ở phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất gắn với xây dựng nhà ở, tránh lãng phí đất, lãng phí nguồn lực xã hội đầu tư vào đất), kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh 5 năm 2021-2025 trước 31 tháng 12 năm 2022. Công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất. Tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, kiểm soát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, các hành vi cố ý gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất; có chính sách hỗ trợ người dân phục hồi đất hoang hóa, đất bị thoái hóa do ảnh hưởng của quá trình sản xuất. Hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai.

Triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ xanh, hạn chế xả thải ra môi trường, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn công nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia trong năm 2022. Quan tâm đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (kể cả nguồn lực xã hội hóa) cho công tác thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn sinh hoạt (rác thải); tăng cường năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo về môi trường. Thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý nước thải và rác thải. Chú trọng giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa, chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Năm 2022, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, hướng dẫn xử lý rác thải để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Ưu tiên sử dụng công nghệ xử lý, tái chế thân thiện môi trường, công nghệ xử lý chất thải rắn thu hồi năng lượng, giảm dần việc xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực quản lý rác thải, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm. Nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các lưu vực sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt, như lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Bắc Hưng Hải…

3. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết; Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết tại phiên họp tháng 9 hằng năm.

Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở nghị quyết và thực tiễn thi hành pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động tổ chức các phiên giải trình thuộc lĩnh vực phụ trách, góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào, cử tri và Nhân dân cả nước.

4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH


(đã ký)

Vương Đình Huệ