Nhưng Nhà nước Nhân dân chưa thành lập được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Chúng ta phải trải qua một cuộc kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ, lấy tầm vông chọi với đại bác; rồi tiếp theo là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 20 năm. Hai, ba thế hệ, lớp cha trước, lớp con sau chung một khúc quân hành, vượt Trường Sơn vạn dặm, băng qua những biển lửa na-pan; những trận bom B52 rải thảm, để đến ngày toàn thắng 30-4-1975, quét sạch mọi bóng xâm lăng, thu non sông về một mối. Một kỷ nguyên mới, hay chính xác hơn là một thời kỳ mới: cả nước cùng tiến lên Chủ nghĩa xã hội bắt đầu từ đây.

Nhân dân hân hoan mừng ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Ảnh tư liệu

Song cũng từ đây, hậu quả của chiến tranh, hậu quả của cơ chế tập trung quan liêu cộng với sự bao vây, cấm vận gần 20 năm của chủ nghĩa đế quốc làm cho Nhân dân ta rơi vào một cuộc sống vô cùng nghiệt ngã, khốc liệt không kém gì một cuộc chiến tranh.

Làm sao mà Nhân dân ta có thể vượt lên, có thể chiến thắng được mọi thử thách lịch sử cam go ấy và thực hiện được một cuộc đổi mới ngoạn mục?

Vì Nhân dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn.

Vì cách mạng có sự lãnh đạo của Đảng. Đảng ấy từ Nhân dân mà ra, có một mục tiêu sắt son: ngoài lợi ích của Nhân dân, không có lợi ích nào khác.

Vì cách mạng biết khơi dậy sức mạnh của lịch sử, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; khơi dậy sức mạnh của văn hóa Việt Nam.

Con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam là một sức mạnh, một thứ gì đó rất kỳ diệu. Nếu không ai biết đến, không ai khơi dậy nó; thì dù chỉ còn lại một người Việt Nam, người ấy vẫn mang tình yêu cuộc sống mãnh liệt, quyết sống, quyết gieo mầm sự sống và sống một cách kiên cường bất khuất, sống đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo.

Câu chuyện Mai An Tiêm là một ví dụ. Thạch Sanh là một ví dụ khác. Chị Út Tịch, Mẹ Thứ, Mẹ Suốt là những ví dụ gần đây.

Làm nên con người như vậy, tinh thần như vậy là do sự trui rèn qua thực tiễn sản xuất và chiến đấu trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, do sự chọn lọc, bồi đắp của cha ông, do công lao to lớn của những sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật.

Văn học nghệ thuật vốn có một sức mạnh to lớn, đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trong mọi lĩnh vực, trong mọi bước đường phát triển của đất nước. Một bài thơ thần Nam quốc sơn hà vẻn vẹn 28 chữ không chỉ giúp quân dân ta đánh thắng quân Tống hai lần vào năm 981 và năm 1077 mà còn khích lệ tinh thần quyết chiến quyết thắng, bảo vệ độc lập dân tộc cho đến ngày nay. Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi, những câu thơ Đồ Chiểu như những dòng máu đỏ tươi  dào dạt chảy đến dòng  văn học nghệ thuật yêu nước và cách mạng, nuôi sống tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; tinh thần Không có gì quý hơn độc lập, tự do trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

***

Chúng tôi là những người được học kỹ càng về lịch sử dân tộc, suy nghĩ sâu xa về lẽ hưng vong của các triều đại. Chúng tôi hiểu câu nói của Thân Nhân Trung đã được khắc vào bia đá ở Văn Miếu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà vươn cao hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Vì thế các bậc thánh đế, minh vương, không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp đầu tiên…”

Văn học nghệ thuật vốn có một sức mạnh to lớn, đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trong mọi lĩnh vực, trong mọi bước đường phát triển của đất nước. Hình ảnh minh họa. Nguồn Internet

Chúng tôi là những người lính. Chúng tôi hiểu hơn ai hết sức mạnh của một tác phẩm nghệ thuật trong đời sống riêng của mình, trong việc tạo ra động lực chiến đấu. Từ trên ghế nhà trường, chúng tôi đã được học và noi theo tinh thần của Lý Tự Trọng, của Hoàng Văn Thụ để làm người yêu nước, xả thân vì nước “ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”; đã vang vọng những câu văn đẹp đẽ của Ê-ren-bua “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Volga, con sông Volga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách? Người ta giờ đây đã hiểu lòng yêu của mình lớn đến dường nào, yêu người thân, yêu Tổ quốc, yêu nước Nga, yêu Liên bang Xô Viết. Điều đó ta đã hiểu, khi kẻ thù giơ tay khả ố động đến Tổ quốc chúng ta. Ai là kẻ chẳng cảm thấy, mùa thu qua, điều giản dị này: “Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa” ? Và người Việt Nam, ai cũng nghĩ rằng: Bao giờ đất nước còn cắt chia, bao giờ chưa đến ngày thống nhất, ta còn phải đi. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi!

Suốt 20 năm, Sài Gòn và những miền quê Nam đau thương nức nở:

Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó

Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về

(Lê Anh Xuân)

Chúng tôi ra trận với Truyện Kiều dưới đáy ba lô.

Chúng tôi ra trận với tiếng hát:

“Thường vẫn vậy đấy, bắt đầu hầu như chẳng có gì cả. Chỉ là một giọng hát. Đội trưởng chúng tôi vừa tắt đài. Trên đài, một người con gái nào đó vừa hát một bản dân ca của đất nước trong đêm khuya. Bây giờ tất cả im lặng rồi, giọt sao ngoài khung cửa đọng lại, đứng im, không nháy nữa, đêm đã đi vào chiều sâu, mà vẫn còn nghe âm vang mãi giọng hát của người con gái lúc nãy... Có lẽ không phải là một người con gái đã hát trên đài. Đó chính là quê hương ta đang lên tiếng hát. Tiếng ngân nga dội lên từ lòng đất, ở đó trong một góc vườn có đôi cây sầu đông và một giàn bầu đong đưa quả nặng, một ngày đã xa mẹ ta đã chôn nhúm nhau của ta thuở ta mới lọt lòng”... (Đường chúng ta đi, Nguyễn Trung Thành).

Chúng tôi ra trận với tâm thế Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi:

“Ôi tuổi thanh xuân

Mang bốn ngàn năm lịch sử trong tim

Ta sung sướng được làm người con Đất Nước

Ta băng tới trước quân thù như triều như thác

Ta làm bão, làm dông

Ta lay trời chuyển đất

Ta trút hờn căm để làm nên những vinh quang bất diệt

Giáng xuống quân thù như sấm sét không nguôi

Sức mạnh bốn ngàn năm đã biến thành bão lửa ngút trời

Đất Nước

Ta hát mãi bài ca Đất Nước

Cho tuổi thanh xuân sáng bừng lên như ngọc

Cho mắt ta nhìn tận cùng trời

Và cho chân ta đi tới cuối đất

Ôi! Tổ quốc mà ta yêu quý nhất

Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!”

(Nam Hà)

Và chúng tôi đã cùng dân tộc mình đến Ngày Đại thắng 30-4-1975. Trên con đường ấy, những người con ưu tú nhất của dân tộc đã ngã xuống. Trong đó có những người chiến sĩ – nghệ sĩ lớn như Nam Cao (1917-1951), Nguyễn Thi (1928 -1968), Lê Anh Xuân (1940 - 1968), Thâm Tâm (1917-1950), Nguyễn Mỹ (1935-1971), Trần Mai Ninh (1917-1947); Trần Đăng (1921-1949), Chu Cẩm Phong (1941-1971), Dương Thị Xuân Quý (1941-1969)…

***

Chỗ Hiến nằm - giờ trời trắng heo may

Chỗ Thi ngủ - bình minh rơi tím đất

Mặt trận xưa, đồng trưa đưa cỏ mật

Ơi chiến hào tha thiết tuổi hai mươi.

(Hoàng Nhuận Cầm)

Tôi tin rằng, sự thanh bình của quê hương hôm nay đã là lời ru dịu dàng trên nghìn nghìn nấm mộ.

Các anh chị ngủ yên trong lòng đất mẹ và hiển linh thành khí thiêng đất nước.

Và tôi tin rằng, các anh chị, cũng như chúng tôi, sẽ không đành lòng trước cảnh nhiều kẻ lâu nay chỉ biết ngưỡng vọng văn Tây, quay lưng lại với những trang viết bằng máu của văn học dân tộc. Sẽ không đành lòng trước những kẻ đang đi dưới vòm cây xanh mát của hòa bình, nhưng quay lại chê mắng cha ông đã gây ra "cuộc chiến không đáng có", mà chúng ta vẫn nuông chiều những đứa con bất hiếu, bất nghĩa ấy. Sẽ không đành lòng trước thái độ được thỏ quên cung...

Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Nhưng tất cả những điều ấy cũng không quan trọng. Không một bóng tối ám muội nào có thể che nổi ánh sáng mặt trời.

Cái quan trọng nhất là cần nhận ra những động lực, nhất là động lực cốt yếu – con người Việt, giá trị tinh thần Việt để viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc đã mở ra từ Cách mạng Tháng Tám, từ Điện Biên Phủ, từ Đại thắng Mùa Xuân 1975: phồn vinh thật sự cho đất nước, hạnh phúc thật sự cho Nhân dân. Và điều cốt lõi nhất làm nên hạnh phúc, chưa phải là vật chất dư thừa giàu có bằng người, hơn người; chưa phải là công nghệ tiên tiến bằng người, hơn người; càng không phải là sự hào nhoáng; mà là quyền làm chủ thực sự của người dân trên mọi lĩnh vực. Cái ấy mới thật sự hơn người.

Nó cần đến nỗ lực phấn đấu cao và chân thành của cả dân tộc. Cần tới sự chiến đấu của mỗi người, nhất là của lớp nghệ sĩ – chiến sĩ mới. Vì đó không phải là thứ ai ban cho./.