bna-img-2855-1989.jpg.webp
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Thành Duy

Theo đó, đối với học sinh học tại 53 trường phổ thông dân tộc bán trú, tỉnh Nghệ An đang xem xét hỗ trợ, mỗi cấp học, học sinh được cấp một lần bằng hiện vật là chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với mức kinh phí là 864.000 đồng/học sinh;

Đồng thời, mỗi năm học, học sinh được cấp 2 bộ quần áo đồng phục và học phẩm gồm: Vở, giấy, bút và các dụng cụ học tập khác với mức kinh phí là 864.000 đồng/học sinh/năm học.

Việc đề xuất chính sách này nhằm tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội đến trường, yên tâm học, giảm tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng do kinh tế gia đình khó khăn.

Qua đó, tăng tỷ lệ huy động học sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần phát triển giáo dục phổ thông đồng đều giữa các vùng, duy trì vững chắc và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Còn đối với các trường có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đang xem xét hỗ trợ 5 nhóm chính sách gồm:

Hỗ trợ kinh phí cho trường phổ thông dân tộc bán trú; trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú, định mức tối đa không quá 6 tiết/lớp/tuần, không quá 35 tuần/năm học với mức hỗ trợ 180.000 đồng/tiết;

Hỗ trợ kinh phí để mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn, nhà bếp với định mức 144.000 đồng/học sinh/năm học.

Hỗ trợ kinh phí mua sách giáo khoa để cho mỗi học sinh được mượn một bộ sách giáo khoa theo lớp học. Hằng năm, trường được hỗ trợ 200.000 đồng/học sinh/năm học để mua bổ sung 10% tổng số sách giáo khoa tại thư viện của nhà trường;

Hỗ trợ kinh phí làm thẻ học sinh và phù hiệu cá nhân, công tác tuyển sinh đầu cấp, thi cuối khóa với định mức 144.000 đồng/học sinh/năm học.

Hỗ trợ tiền điện, nước phục vụ học tập và sinh hoạt của học sinh bán trú với mức 15KW điện/tháng/học sinh và 3m3 nước/tháng/học sinh theo giá quy định tại địa phương và được hưởng 9 tháng/năm học.

bna-cong-dong-cac-dan-toc-tren-dia-ban-xa-tri-le-vui-ngay-hoi-dai-doan-ket-1428.jpg.webp
Giáo viên, học sinh và người dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong tại một sự kiện được tổ chức tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tri Lễ, Quế Phong. Ảnh: Thành Duy

Hiện nay, các trường phổ thông dân tộc nội trú đã được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc nội trú tăng lên rõ rệt khi thực hiện chính sách đó.

Đồng thời, các trường phổ thông dân tộc nội trú cũng được hỗ trợ tiền điện, nước theo Thông tư 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của liên Bộ Tài chính – Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, trường được hỗ trợ tiền điện thắp sáng bình quân 25KW/tháng/học sinh và hỗ trợ tiền nước sinh hoạt, bình quân 4m3 nước/tháng/học sinh theo giá quy định tại địa phương, được trang cấp hiện vật như: chăn bông, màn, áo bông, chiếu, quần áo dài tay đồng phục…, được hỗ trợ học phẩm (12 loại).

Còn đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú, mặc dù tên gọi là trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng tổ chức và hoạt động của trường này không khác gì trường phổ thông dân tộc nội trú. Học sinh dân tộc bán trú cũng ăn ở nội trú tại trường.

Cho nên nếu được hỗ trợ tiền điện, nước sinh hoạt; mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn, nhà bếp; mua sách giáo khoa bổ sung thư viện nhà trường để cho mỗi học sinh được mượn sẽ giảm khó khăn cho các trường có học sinh dân tộc bán trú.

Bên cạnh đó, Quyết định 3279/QĐ-UBND ngày 24/10/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án “Phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” cho phép thực hiện thí điểm mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới, trong đó thực hiện chương trình tăng cường: ngoại ngữ, tin học, giáo dục STEM, kỹ năng sống, giá trị sống.

Đối với các địa phương vùng thuận lợi, các chương trình tăng cường này được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, các trường thu tiền từ học sinh theo định mức được quy định tại Nghị quyết số 31/2021/NQ-HĐND ngày 13/12/2021 của HĐND tỉnh, nhưng đối với vùng đặc biệt khó khăn, việc thực hiện thu tiền từ phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn và không có tiền để nộp học chương trình này, chỉ khi được ngân sách nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí mới thực hiện được.

Hiện nay, các chính sách trên đang được UBND tỉnh Nghệ An lấy ý kiến trước khi hoàn thiện trình HĐND tỉnh xem xét ban hành dự kiến vào kỳ họp giữa năm 2024.

Tính đến thời điểm 31/12/2023, toàn tỉnh Nghệ An có 1.507 trường với 26.536 lớp và 894.351 học sinh.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 655 trường với 9.836 lớp và 302.962 học sinh; trong đó hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú có 143 trường với 2.434 lớp và 75.229 học sinh.

Tỷ lệ trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú chiếm 14,79% so với tổng số trường phổ thông trong toàn tỉnh; chiếm 33,18% so với tổng số trường phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Thành Duy