Chiều 7/12, các đại biểu HĐND tỉnh thuộc đơn vị bầu cử TP. Vinh, các thị xã: Cửa Lò, Thái Hòa, Hoàng Mai và các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn thảo luận tại Tổ 1. Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh, Tổ trưởng điều hành thảo luận.
Dự thảo luận tại Tổ 4 có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị bầu cử TP. Vinh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị bầu cử huyện Nam Đàn;…
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Duy
GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NGAY TẠI QUÊ HƯƠNG
Tại phiên thảo luận, ý kiến các đại biểu đồng tình về những kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021, đồng thời trao đổi, nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng tâm cần quan tâm trong năm 2022.
Liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Duy Cần, đơn vị bầu cử TP. Vinh đề nghị cần tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Duy
Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị bầu cử TP. Vinh đề nghị có các phải pháp để phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; qua đó, vừa phát huy được giá trị di sản, vừa phát triển du lịch.
Đồng chí Lê Văn Lương - Bí thư Tỉnh đoàn, đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị bầu cử thị xã Thái Hòa nhấn mạnh cần có các giải pháp để giải quyết tốt việc làm cho các lao động hồi hương do dịch Covid - 19, tránh lãng phí trong việc sử dụng lao động, hạn chế áp lực cho các vấn đề xã hội liên quan.
Đại biểu Nguyễn Hữu An - Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai phát biểu tại phiên thảo luận của Tổ 1. Ảnh: Thành Duy Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Duy.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị bầu cử thị xã Cửa Lò bày tỏ trăn trở đối với vấn đề giải quyết việc làm cho lao động ngay trên chính quê hương Nghệ An, vì thời gian tới với nhịp độ phát triển kinh tế của tỉnh đang mở ra nhưng cơ hội mới và có nhu cầu về lực lượng lao động.
Theo nữ đại biểu, cần thực hiện tốt giải pháp tuyên truyền, nhưng cách làm phải khác, đó là tuyên truyền cho lao động từ chính trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng; tuyên truyền thông qua phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội; đặc biệt, giải pháp tuyên truyền hiệu quả nhất chính là bằng thực tiễn thông qua các dẫn chứng số liệu, nhu cầu lao động từ các KCN, nhà máy, các mô hình kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị bầu cử thị xã Cửa Lò phát biểu thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Duy.
Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi cũng cho rằng, cần tiếp tục quyết liệt thực hiện công tác hướng nghiệp, đặc biệt từ bậc phổ thông; khôi phục, nâng cao chất lượng của các trường nghề; tiếp tục có cơ chế, chính sách về hỗ trợ vốn và vay vốn thông qua các quỹ khởi nghiệp;…
Cũng tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến các đại biểu đề cập đến các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi thực hiện: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; rà soát, thu hồi dự án chậm tiến độ; định hướng sản xuất nông nghiệp tại các huyện vùng ven để phục vụ thị trường TP. Vinh một cách có hiệu quả hơn; giải quyết cán bộ dôi dư; việc chuyển đổi số để hướng tới kinh tế số, xã hội số, chính quyền số;…
NHỮNG CƠ SỞ CHO MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG NĂM 2022
Phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 1, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã phân tích rõ hơn bối cảnh, bức tranh nền kinh tế của tỉnh trong năm.
Theo đó, dù tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) chỉ 6,2%, không đạt mục tiêu đề ra, nhưng trong bối cảnh khó khăn, đây là kết quả được nhìn nhận là tích cực khi GRDP Nghệ An năm nay đứng thứ 4/14 tỉnh miền Trung, thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ.
Trong cơ cấu của các khu vực nền kinh tế cũng có những điểm sáng, đó là khu vực nông nghiệp tăng 5,59%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước 13,59%, riêng công nghiệp tăng 18,79%, đều vượt kế hoạch đặt ra từ đầu năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Duy.
Bên cạnh đó, việc thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng khác cũng có nhiều điểm sáng. Trong đó, thu ngân sách năm nay dự kiến đạt 17.678 tỷ đồng, nhưng với tiến độ thu cập nhật đến ngày 7/12 đã đạt 16.908 tỷ đồng, thì ước thu năm nay sẽ đạt trên 18.000 tỷ đồng.
Nghệ An cũng đang dần bước ra khỏi “vùng trũng” xuất, nhập khẩu khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đến thời điểm này của năm đã chạm mốc 3,07 tỷ USD (những năm trước chưa đạt 2 tỷ USD), trong đó, riêng xuất khẩu đạt 1,76 tỷ USD và với tiến độ như hiện nay khả năng năm nay xuất khẩu của tỉnh đạt 1,95 tỷ USD, vượt mục tiêu cả nhiệm kỳ là đến năm 2025 đạt 1,765 tỷ USD.
Bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến xúc tiến đầu tư, song năm nay, hơn 28.000 tỷ đồng đã đăng ký “rót” vào Nghệ An với 106 dự án đầu tư mới và 118 dự án tăng vốn, tăng 41,3% số lượng dự án và 2,92 lần số vốn đăng ký đầu tư, vượt kế hoạch đặt ra.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Duy
Từ những phân tích gắn với số liệu cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong khó khăn nhưng từ những điểm sáng trên có thể tin tưởng rằng, việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đang đi đúng hướng.
Năm 2021, tỉnh cũng đã tranh thủ, nắm bắt thời cơ, để kiến nghị với Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội và đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 36 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Qua đây cũng để lại bài học rất quý giá là tinh thần bám sát, quyết tâm để đạt được mục tiêu.
Từ góc độ UBND tỉnh thấy, để có được kết quả trên, đồng chí Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo rất sát sao, cụ thể là của Tỉnh ủy và sự đồng hành của HĐND để giải quyết những vấn đề đặt ra, tạo thuận cho UBND tỉnh trong thực hiện các mục tiêu. “Đây là sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng vì mục tiêu chung, vì sự phát triển”, Chủ tịch UBND tỉnh đúc kết.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu UBND tỉnh, phía sau những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế cả khách quan do dịch bệnh nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan cần tiếp tục tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Duy
Về mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2022 trình HĐND tỉnh là 8,5 - 9,5%, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã phân tích những cơ sở để xây dựng mục tiêu trên.
Trước hết, là tác động tích cực từ thu hút đầu tư, nhất là các dự án trong lĩnh vực điện tử. Cùng với đó, tỉnh đã chuyển sang giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Mặt khác, năm 2022, tỉnh triển khai một số dự án đầu tư công trọng điểm như tuyến đường ven biển với tổng mức vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 3.200 tỷ đồng, riêng năm 2022 được Trung ương bố trí kế hoạch vốn là 1.000 tỷ đồng, cộng với 450 tỷ đồng vốn đối ứng của tỉnh.
Đề cập về nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh tập trung triển khai sớm, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai ngay Nghị quyết số 36 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tư pháp trình Nghị quyết để phân công các bộ, ngành triển khai và trong tháng 12/2021 sẽ có các hướng dẫn để tỉnh thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Sở Tài chính làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm về tài chính - ngân sách. Ảnh: Thành Duy
Mặt khác, trong năm nay, tỉnh chuẩn bị tốt nhất các điều kiều để tổng kết Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị gắn với nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh trong giai đoạn tới.
Nghệ An cũng tập trung tháo gỡ nút thắt về hạ tầng, trong đó, có 2 hạ tầng rất quan trọng là cảng biển nước sâu và sân bay. Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là sử dụng nguồn lực phải có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.
Trong điều kiện nguồn lực có hạn, dự án động lực chưa có, đồng chí Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh tinh thần là phải nỗ lực, hợp lực, đồng hành để thực hiện đạt mục tiêu. Với quan điểm trên, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “UBND tỉnh cam kết tiếp tục nỗ lực cao nhất để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu mà HĐND tỉnh giao thực hiện trong năm 2022, cũng như thời gian tới”.
Cũng tại phiên thảo luận tổ, đồng chí Nguyễn Đức Trung cũng đã làm rõ thêm các giải pháp trong phòng, chống dịch Covid-19; công tác giải quyết việc làm và một số nội dung khác mà các đại biểu nêu ý kiến./.
Thành Duy