bna1688-01-8584--n1.jpg

Đồng chí Cao Tiến Trung - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh báo cáo kết quả đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành về thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thành Cường

Tỷ lệ thực hiện thấp

Theo báo cáo, kết quả thực hiện danh mục công trình, dự án, diện tích thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện công trình, dự án trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ còn thấp cả về số lượng công trình, dự án và diện tích thu hồi, chuyển đổi.

Số công trình, dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa thực hiện, không có khả năng thực hiện bị hủy bỏ hoặc quá thời hạn phải trình chuyển tiếp còn nhiều.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2021, HĐND tỉnh ban hành 15 nghị quyết về thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai. Qua giám sát cho thấy, kết quả mới thực hiện thu hồi đất của 2.446/5.789 công trình, dự án (đạt 42,25%) với tổng diện tích 4.802,4/15.491,34 ha (đạt 31%).

Cũng trong giai đoạn này, HĐND tỉnh cũng đã ban hành 16 nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai để thực hiện công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

Kết quả đã thực hiện 1.298/3.389 công trình, dự án (đạt 38,3%); chuyển mục đích sử dụng 1.404,54/3.862,55 ha đất trồng lúa (đạt 36,36%); 190,71/343,56 ha đất rừng phòng hộ (đạt 55,5%) và 4,47/5,57 ha đất rừng đặc dụng (đạt 80,25%).

bna-9740-9116-6689.jpg
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát các dự án đang thực hiện trên địa bàn huyện Đô Lương. Ảnh tư liệu Thành Cường

Kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh thời gian tới, báo cáo cũng đưa ra 7 đề xuất, kiến nghị đối với UBND tỉnh.

UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương rà soát, tích hợp quy hoạch sử dụng đất vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm để thực hiện đảm bảo chất lượng, khả thi.

Đề nghị cân đối bố trí tăng kinh phí hằng năm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đo đạc lập bản đồ địa chính đất nông nghiệp sau “dồn điền đổi thửa” và đất lâm nghiệp, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát các văn bản của Trung ương, của tỉnh để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và quản lý tốt tài nguyên đất đai như: ban hành văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh việc thực hiện các dự án chia lô đấu giá quyền sử dụng đất trên toàn tỉnh để hạn chế sự lãng phí tài nguyên đất; quy định nâng tỷ lệ phần trăm (%) tiền đặt cọc trong đấu giá quyền sử dụng đất; điều chỉnh chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các hộ sử dụng đất khi bị thu hồi đất.

bna-9762-1808-3526--n1.jpg
Dự án Khu hành chính công đang thực hiện tại thị trấn Đô Lương. Ảnh tư liệu Thành Cường

Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp, thẩm định chặt chẽ các dự án đầu tư, nhất là thẩm định năng lực của chủ đầu tư; đối với các công trình, dự án đầu tư cần thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và nhu cầu diện tích đất sử dụng phải phù hợp với quy mô dự án, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Chỉ đạo sử dụng Quỹ phát triển đất tỉnh Nghệ An cho các đơn vị địa phương ứng vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện công trình dự án theo đúng quy định. Đối với những công trình, dự án chưa thực hiện do những lý do khách quan, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện; đối với những dự án kéo dài không thực hiện vì những lý do chủ quan (năng lực tài chính của nhà đầu tư yếu đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách; không bố trí được nguồn vốn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước...), cần kiên quyết thu hồi, hủy bỏ, tránh để hoang, lãng phí tài nguyên đất đai.

Chỉ đạo các Sở, ngành và đơn vị liên quan giải quyết vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đối với khu vực mỏ của dự án Quy hoạch mở rộng Nhà máy xi măng Sông Lam II (giai đoạn 2) tại huyện Yên Thành; việc người dân tái sản xuất ở khu A - Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc.

Mai Hoa