Hậu quả của thiên tai để lại rất nặng nề, đã làm chết 6 người và 4 người bị thương. 17 ngôi nhà bị sập; 22 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 337 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Ngoài ra còn có 3.934 nhà bị ngập; 812 hộ dân phải di dời do ngập lụt và ảnh hưởng của sạt lở đất. Thiên tai còn gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông lâm nghiệp và các công trình hạ tầng, ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 698,966 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 56 vụ tai nạn, sự cố tàu thuyền trên biển. Trong đó có 4 tàu hàng bị mắc cạn, 7 tàu cá bị chìm trên biển, 2 tàu hàng bị chìm trên biển, 4 tàu cá bị cháy khi đang khai thác trên biển, 10 vụ đuối nước... Các vụ tai nạn, sự cố cũng đã khiến 23 người bị chết, 7 người bị mất tích, 2 người bị thương, 4 phương tiện bị cháy hoàn toàn, 11 phương tiện và 3 bè mảng bị chìm.
Hình ảnh mưa lũ tại huyện Quỳnh Lưu năm 2021. Ảnh: Tư liệu BNA
Mặc dù thiên tai diễn biến phức tạp, các địa phương cũng đã tích cực đề ra các biện pháp phòng tránh, tuy nhiên trên thực tế, hiện nay vẫn còn tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Hệ thống thông tin liên lạc tại một số địa phương chưa đảm bảo, thực hiện báo cáo còn chậm, chưa kịp thời. Lực lượng cán bộ làm công tác về phòng chống thiên tai ở các địa phương còn một số chưa được đào tạo bài bản; chưa có chế độ và chính sách đặc thù cho lực lượng PCTT hạn chế...
Tại hội nghị này, ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ đưa ra nhận định, năm 2022 dự báo thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra tố, lốc, mưa đá, sẽ diễn ra nhiều trong thời điểm giao mùa. Dự báo trong thời gian ngắn sắp tới, sẽ diễn ra nhiều trận mưa lớn, với lượng mưa trung bình từ 100-250mm. Ông Tiến cũng đề nghị các địa phương phối hợp, cung cấp thông tin, nhằm giúp đưa ra những dự báo, cảnh báo một cách sát thực tế nhất, góp phần phòng chống thiên tai một cách hiệu quả.
Lở núi làm sập nhà dân tại huyện Tương Dương. Ảnh: Tư liệu BNA
Một số ý kiến cũng đề nghị vào mùa mưa lũ, ban quản lý các hồ chứa, các hồ đập thủy lợi, thủy điện cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, tránh việc xả lũ, xả hồ chứa vào thời điểm đêm tối gây khó khăn cho việc sơ tán nhân dân. Một số địa phương cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để nâng cấp các công trình hồ đập ách yếu, đảm bảo tích trữ nước an toàn.
Ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, chia sẻ bất cập, dù là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh thế nhưng người dân ở Tương Dương chủ yếu phải sống bên cạnh các sông, suối, nguy cơ sạt lở cao. Việc tìm kiếm đất để tái định cư cho bà con nhân dân sau khi bị sạt lở gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế huyện đề nghị UBND tỉnh sớm bố trí kinh phí để sửa chữa một số điểm tái định cư, đảm bảo an toàn cho người dân khi bước vào mùa mưa lũ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu các địa phương cần phải chủ động phương án "4 tại chỗ", không để xảy ra tình huống bất ngờ, ngay cả trong tình huống xấu nhất. Ảnh: Tiến Đông
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh, các ngành, các địa phương cần phải thường xuyên kiểm tra, rà soát lại hệ thống hạ tầng phòng chống thiên tai, hồ đập ách yếu. Cần chấp hành nghiêm túc các văn bản của Chính phủ và của tỉnh, nhằm ứng phó kịp thời với diễn biến bất thường của thiên tai. Đồng thời chủ động phương án 4 tại chỗ, quyết không để xảy ra tình huống bất ngờ, dù ngay cả trong tình huống xấu nhất.
Phó Chủ tịch Hoàng Nghĩa Hiếu trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT-TKCN năm 2021. Ảnh: Tiến Đông
Dịp này UBND tỉnh cũng đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT-TKCN trong năm 2021.
Tiến Đông